Nhằm ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan Bộ, Bộ Y tế đặt mục tiêu sẽ nâng cấp Hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành, Hệ thống thư điện tử, Cổng thông tin điện tử của Bộ, trang/cổng thông tin của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ hoạt động ổn định, hiệu quả, an ninh bảo mật trên môi trường điện tử.
Có 50% đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế xây dựng hệ thống thông tin tích hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành và chuyên môn chủ yếu của đơn vị; 80% đơn vị thuộc va trực thuộc Bộ Y tế triển khai hồ sơ cán bộ công chức, viên chức trên môi trường mạng. Có 100% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS), trong đó có 95% bệnh viện tích hợp hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS) với hệ thống HIS; có 50% bệnh vệnh trực thuộc Bộ Y tế tích hợp hệ thống thông tin lưu trữ và truyền hình ảnh y học (RIS-PACS); có 20% bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai Bệnh án điện tử; Hoàn thành triển khai phần mềm quản lý hoạt động Trạm y tế xã tại 26 xã mô hình điểm của Bộ Y tế; Hoàn thành phần mềm Hồ sơ sức khỏe điiện tử; Triển khai phần mềm hệ thống thông tin thống kê y tế điện tử tại 8 tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế cũng xác định rõ các mục tiêu về phát triển nhân lực và hạ tầng kỹ thuật sẽ được hiện thực hóa với 100% các đơn vi thuộc và trực thuộc Bộ Y tế có cán bộ chuyên trách CNTT được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật về kiến thức CNTT và an toàn thông tin; hoàn thành xây dựng trục tích hợp dữ liệu Bộ Y tế; đồng thời triển khai nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu Bộ Y tế theo kế hoạch của dự án đã được phê duyệt.
Bộ Y tế cũng triển khai một loạt giải pháp, bao gồm: đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục/từ điển dùng chung cốt yếu gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa các hệ thống; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn CNTT y tế, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, chuyên môn.
Để đảm bảo thành công của các dự án, giảm thiểu việc đầu tư trùng lặp và nâng cao hiệu quả đầu tư, Bộ Y tế xác định các bài toán có quy mô lớn, các ứng dụng có thể sử dụng ở nhiều đơn vị trong ngành sẽ được thực hiện theo mô hình thí điểm – nhân rộng. Cơ quan Bộ Y tế và từng đơn vị trực thuộc Bộ phải xây dựng kiến trúc hệ thống CNTT của cơ quan, từ đó xây dựng đề án CNTT tổng thể của đơn vị làm căn cứ triển khai ứng dụng CNTT.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc ứng dụng CNTT trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh, đặt nền móng cho sự phát triển y tế điện tử trong thời gian tới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới.
Với ngành y tế, cuộc cách mạng công nghiệp này đang gõ cửa, mang lại nhiều cơ hội phát triển y tế điện tử.
Để ứng dụng thành công CNTT trong khám chữa bệnh trước hết đòi hỏi các bệnh viện cần đầu tư đầy đủ các phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS, EMR, HER... tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới mục tiêu bệnh viện không giấy tờ.
Sau đó phát triển mạnh mẽ những hệ thống ứng dụng chuyên sâu, ứng dụng hỗ trợ ra được quyết định lâm sàng. Các hệ thống phải liên thông được với nhau, vận hành thống nhất trong hệ sinh thái và dữ liệu lớn y tế, hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh.
Việt Nam có hơn 90 triệu người dân, nhu cầu về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, số mắc ung thư các loại đang gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh về ung thư, ở Việt Nam hiện nay có 6 bệnh viện chuyên khoa ung bướu, 52 trung tâm, khoa ung bướu trực thuộc các bệnh viện đa khoa.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiếnvào chẩn đoán và điều trị ung thư là nhu cầu cấp thiết, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện, góp phần làm hài lòng bệnh nhân.