Giáo dục địa phương là một môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung môn học “Giáo dục địa phương” được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương biên soạn tài liệu, kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp tình hình từng địa phương, vùng miền… Thông qua môn học này, các em học sinh sẽ có thêm những kiến thức hữu ích về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để xây dựng quê hương…

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của giáo dục địa phương đối với thế hệ trẻ, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo trên cả nước đã tăng cường triển khai dạy học môn giáo dục địa phương, đặc biệt là giáo dục về lịch sử truyền thống cách mạng, di sản văn hóa cho học sinh trong các trường học.

W-trai-nghiem-1.jpg
Môn học giáo dục địa phương giúp học sinh có thể hiểu thêm về lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương, lễ hội, nghệ thuật truyền thống…

Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương gồm một số vấn đề cơ bản về: Lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương; lễ hội, nghệ thuật truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa; phong tục, tập quán địa phương; Địa lý, dân cư; cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên; ngành nghề, làng nghề truyền thống của địa phương; Một số nội dung về kinh tế, xã hội, chính sách an sinh xã hội; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kĩ năng sống; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỉ cương, pháp luật; bảo vệ môi trường tự nhiên tại địa phương.

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp trong Hoạt động trải nghiệm. Nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học còn được tích hợp hoặc sử dụng trong dạy học các môn học ở từng lớp gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước; các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, từ thiện vì cộng đồng tại địa phương; các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh... góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh tiểu học.

Đối với cấp trung học, nội dung giáo dục địa phương được biên soạn thành bộ tài liệu giáo dục địa phương của một tỉnh có vị trí như sách giáo khoa với nội dung về giáo dục địa phương thuộc 7 lĩnh vực: Văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp…

Tại Hội thảo Khoa học “Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội – thực trạng và giải pháp” do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức mới đây, TS Đỗ Hồng Cường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định, giáo dục địa phương trong các trường phổ thông ở Hà Nội không chỉ nhằm thực hiện các nhiệm vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mà còn là sức mạnh mềm, nội sinh khơi dậy khát vọng vươn lên của những công dân Thủ đô trẻ. 

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đề xuất, giáo dục địa phương của Thủ đô cần trở thành môn giáo dục Hà Nội học để dạy cho mục đích hướng đến giáo dục địa phương của Hà Nội phải là một môn khoa học, được đối xử công bằng trong nhà trường và môn học này sẽ giúp học sinh thêm yêu Hà Nội, là nguồn nhân lực trẻ có khát vọng vươn lên thực hiện các nhiệm vụ cao cả mà Đảng và nhân dân cả nước giao trách nhiệm cho Thủ đô.

Quảng Ninh được biết đến là đơn vị đi đầu trong việc biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương hoàn thành và vượt tiến độ trước 3 năm theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung giáo dục địa phương được Quảng Ninh xây dựng trên cơ sở các vấn đề cơ bản của tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, xã hội của tỉnh; các vấn đề cơ bản về bảo vệ môi trường, giáo dục giá trị nhân văn; gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung giáo dục với thực tiễn, bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung.

Có thể thấy, môn học giáo dục địa phương được cả thầy và trò đều hứng thú vì nội dung kiến thức gần gũi, gắn với thực tế địa phương ở chính nơi các em đang sống. Nhiều trường học tại các địa phương trên cả nước đã chủ động tổ chức các hoạt động tích hợp, trải nghiệm, giúp cho nội dung môn học giáo dục địa phương trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh. Đây cũng là cơ sở cho văn hóa học đường phát triển tại mỗi trường học.

Huệ Anh