Với đường biên giới dài gần 180km, miền biên viễn Quảng Trị có hàng ngàn hộ dân sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trẻ miền biên giới Quảng Trị vươn lên trong cuộc sống nhờ được những người lính mang quân hàm xanh nhận nuôi |
Đồng bào không quản ngại khó khăn, vất vả cùng chung tay, góp sức với bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn của tỉnh nhà.
Đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Một số em học sinh hiếu học nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em mồ côi không nơi nương tựa không được ăn ở, học tập đầy đủ...
Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn chia sẻ: “Trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, lực lượng biên phòng đóng vai trò cốt lõi nhưng không thể không kể đến vai trò quan trọng của người dân địa phương.
Đồng bào biên giới tỉnh Quảng Trị có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đời sống vật chất cũng như nhận thức của người dân chưa cao.
Thấu hiểu hoàn cảnh của bà con dân bản, thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, những năm qua, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.
Các chiến sỹ nhận nuôi cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện ăn học, phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần”.
Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị |
Theo Thượng tá Toàn, để làm tốt công tác này, lãnh đạo Bộ Chỉ huy đã hướng dẫn các đơn vị phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương lựa chọn những cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Mồ côi cha mẹ, các cháu là con liệt sĩ, con thương binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn biên giới để giúp các cháu có điều kiện ăn ở, học tập.
Mồ côi nhưng không mù chữ
Chịu nhiều bất hạnh khi sớm phải chịu cảnh mồ côi cha, Hồ Văn Hoàng (SN 2010, học sinh lớp 4, trú thôn Tà Puồng, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) không nghĩ có ngày được tiếp tục đến trường.
Từ đứa trẻ mồ côi, Hoàng bỗng có nhiều “cha nuôi” khi được đưa vào đồn Biên phòng Hướng Lập |
Hoàng vừa chào đời thì bố mất. Nhà đông anh em, mẹ làm nương rẫy vất vả cũng chỉ đủ có bữa ăn qua ngày.
“Khoảng 1 năm trước, khi cháu định nghỉ học thì các chú bộ đội biên phòng trạm Cù Bai (đồn Hướng Lập) đến nhà vận động tiếp tục đi học.
Các chú nói với mẹ, cho các chú nhận cháu làm con nuôi, đưa cháu về đồn để nuôi dưỡng và lo cho đi học. Mồ côi cha từ nhỏ, cháu bỗng có nhiều 'cha' nên rất vui, cháu cố gắng học tập để mong sau này trở thành người tốt, giúp dân bản”, Hoàng tâm sự.
Tiết học do lực lượng biên phòng Quảng Trị tổ chức |
Quyền Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập, Đại úy Trần Thái Sơn cho biết, khi được cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng nhận làm con nuôi, các cháu nhỏ được quan tâm, đưa đón vào ăn ở, sinh hoạt ở các đơn vị.
“Hầu hết các đồn biên phòng tại vùng biên giới còn khó khăn về hạ tầng, cơ sở vật chất do nguồn kinh phí hạn hẹp.
Tuy nhiên, với tinh thần “biến đồn là nhà”, các cháu khó khăn, mồ côi nhưng không thể mù chữ, lực lượng biên phòng đồn Hướng Lập nói riêng, biên phòng Quảng Trị nói chung đã giúp đỡ, giáo dục để các cháu được phát triển toàn diện, lớn lên thành người có học thức, giúp ích cho xã hội”, Đại úy Sơn chia sẻ.
Tướng biên phòng trải lòng về những chiến sỹ quân hàm xanh
Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chia sẻ với VietNamNet về những hoạt động của BĐBP trong năm qua vì cuộc sống bình yên miền biên viễn.
Quang Thành - Phú Vĩnh