Boris Berezovsky, vừa qua đời ở tuổi 67, là một trong những đầu sỏ chính trị nổi tiếng ở Nga, thuộc nhóm các doanh nhân quyền lực phất lên nhờ chính sách tư nhân hóa các tài sản nhà nước sau khi Liên Xô tan rã.

TIN BÀI KHÁC:

Ông trùm Nga chết bí ẩn ở London
Choáng với sứ quán hàng trăm triệu đô của Mỹ

Khả năng công phá khủng khiếp của súng nòng xoay M134

Boris Berezovsky.

Cái chết của Berezovsky dẫn tới nhiều đồn đoán rằng ông này đã bị ám sát tại nhà, đặc biệt khi có thông tin thi thể của ông được tìm thấy với một khăn quàng cổ bên cạnh tại tòa biệt thự ở Berkshire, London.

Cái chết khó hiểu

Các thám tử điều tra cái chết của Berezovsky kết luận không có bằng chứng cho thấy có người ngoài liên quan đến vụ việc.

Berezovsky được một nhân viên của ông ta phát hiện chết trên sàn nhà tắm. Người này không nhìn thấy sếp mình đâu suốt 11 giờ đồng hồ nên đã đi tìm và đã buộc phải phá cửa phòng tắm khi thấy cửa khóa từ bên trong.

Cảnh sát Thames Valley hiện đang "lắp ghép một bức tranh về những ngày cuối đời của Berezovsky, trò chuyện với bạn bè thân và gia đình nhằm hiểu rõ hơn về tâm trí của ông này".

Berezovsky được cho là đã bị trầm cảm nhiều tháng nay sau khi thua kiện tỷ phú đồng hương Roman Abramovich 4,7 tỷ USD và chật vật xoay sở với núi nợ chồng chất. Một người bạn thân tiết lộ ông đã phải uống thuốc chống trầm cảm từ năm ngoái và từng nhắc đến chuyện tự tử.

Galina, vợ cũ của Berezovsky, đã đến khi một nhân viên y tế có mặt tại hiện trường. Bà nói với bạn bè rằng một chiếc khăn quàng cổ được tìm thấy bên cạnh xác của Berezovsky.

Nikolai Glushkov, một trong những người bạn lâu năm nhất của Berezovsky, nói: "Boris đã bị siết cổ. Hoặc ông ấy tự làm hoặc có bàn tay ai đó. Nhưng tôi không tin đó là một vụ tự sát. Đó không phải là một cái chết bình thường".
Glushkov, từng là phó giám đốc của hãng Aeroflot và cũng giống như Berezovsky đã trốn khỏi Nga sang Anh, cho biết, Galina cũng như nhiều người thân khác của Berezovsky tin rằng ông có thể đã bị sát hại.

Nhân viên phát hiện xác của Berezovsky và gọi cấp cứu được xác nhận là người duy nhất ở trong nhà vào thời điểm đó.

Những nghi ngờ Berezovsky bị đầu độc dấy lên vào cuối tuần trước, khi các chuyên gia về hóa học, sinh học và vật liệu phóng xạ được huy động tham gia điều tra. Các ngõ phố xung quanh ngôi biệt thự được phong tỏa, cấm xe cộ và người đi bộ qua lại sau khi một máy đo mức phóng xạ cá nhân được kích hoạt. Ngay khi nhóm này hoàn tất công việc, các sĩ quan cảnh sát lại tiếp tục điều tra quanh thi thể của Berezovsky vốn vẫn được đặt nguyên vị trí.

Một nhà nghiên cứu bệnh học của Bộ Nội vụ Anh sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi vào đầu tuần này.

Việc Berezovsky lớn tiếng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin và liên tục bày tỏ lo sợ bị ám sát cũng đã làm bùng nổ đồn đoán rằng ông này có thể bị nhắm tới.

Từ trùm sỏ chính trị…

Khởi nghiệp là một giáo sư toán học và sau đó là một nhà phân tích hệ thống, Berezovsky đã phất như diều gặp gió hồi thập niên 1990 nhờ bán xe Mercedes nhập khẩu và các loại xe do Nga sản xuất. Ông là một trong số ít những tài phiệt Nga tận dụng các mối quan hệ của mình để trở nên giàu có "chỉ qua một đêm" khi Liên Xô tan rã.

Là ông chủ của tập đoàn dầu khí Sibneft, hãng hàng không quốc gia Aeroflot và là cổ đông chính của kênh truyền hình chính ở Nga, Berezovsky đã hỗ trợ cho Boris Yeltsin lên làm Tổng thống và gây được ảnh hưởng lớn suốt thời kỳ mà thực sự không có bất kỳ quy định điều hành nào. Các tài phiệt Nga, bao gồm cả Berezovsky, khi ấy đã làm cho vấn đề vay tiền của chính phủ Nga non trẻ thêm trầm trọng.

Khi chính phủ tuyệt vọng vì tiền thì những tài phiệt này đã mua các công ty phá sản với giá rẻ. Vài năm sau, những công ty này có giá hơn nhiều lần và họ trở nên giàu có. Tới cuối tiến trình tư nhân hóa, Berezovsky và các đại gia khác đã sở hữu hơn nửa Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Nga.

Đối lấy việc ủng hộ Tổng thống Yeltsin, Berezovsky đã giành được những ảnh hưởng chính trị trong điện Kremlin. Berezovsky đã được Tổng thống bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng thư ký Hội đồng An ninh Nga. Tới năm 1997, ông được chỉ định làm Tổng thư ký Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) - một tập thể gồm 12 nước cộng hòa tách ra khỏi Liên Xô. Đây là dấu hiệu nữa cho thấy quyền lực vươn rộng của Berezovsky.

… thành kẻ lừa đảo?

Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu xấu đi sau khi cảnh sát tập kích một công ty an ninh ở Moscow năm 1998. Trong một kho các thiết bị nghe lén, máy quét và máy ảnh, cảnh sát tìm được một thư viện video và băng ghi âm, chứa thông tin liên quan tới nhiều nhân vật cấp cao, gồm cả thành viên nhà Yeltsin. Chủ công ty này lại chính là Berezovsky. Tiếp sau đó, cảnh sát đã tấn công nhiều công ty liên quan tới Berezovsky.

Berezovsky mất dần ảnh hưởng đối với chính trường Nga sau khi bị sa thải khỏi Hội đồng An ninh. Tháng 7/2000, Berezovsky từ chức khỏi Quốc hội và tới năm 2001, ông trốn sang Pháp rồi sang Anh, nơi ông tự nhận mình là người "bảo vệ các giá trị dân chủ".

Năm 2002, chính quyền Nga ban lệnh truy nã Berezovsky với các cáo trạng như lừa đảo, rửa tiền, can thiệp vào chính trị Nga. Một tòa án ở Nga còn xử vắng mặt Berezovsky tội biển thủ 3 tỷ USD từ các công ty nhà nước.

Moscow từng nhiều lần đề nghị chính quyền London dẫn độ ông Berezovsky về Nga song phía Anh từ chối.

Thanh Hảo (Tổng hợp)