Đây không chỉ là định hướng riêng cho TP. Vũng Tàu mà cũng chính là mục tiêu của cả tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bà Rịa – Vũng Tàu, ngoài việc được biết đến là trung tâm dầu khí của quốc gia, trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo và cảng biển của Vùng, còn là một điểm đến du lịch hàng đầu vốn đã định hình thương hiệu từ rất lâu. Sau nhiều năm phát triển theo hướng đại trà, Bà Rịa – Vũng Tàu đang dần chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị du lịch, với sự hình thành các cụm ngành du lịch chất lượng cao, các trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.

Tuy nhiên, tỷ phần đóng góp và sức lan tỏa của ngành du lịch đối với sự phát triển của tỉnh nói riêng, đối với Vùng và cả nước nói chung vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu cũng như so với tiềm năng và lợi thế. Nghị quyết 24 đã chỉ ra nhiều nhóm giải pháp mang tính chiến lược, kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá cho ngành du lịch của TP. Vũng Tàu và của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ tới, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục xác định du lịch là một trong 05 trụ cột kinh tế quan trọng với việc định hướng phát triển trục động lực kinh tế du lịch tại khu vực ven biển phía Đông Nam với chuỗi đô thị du lịch Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu và khu du lịch quốc gia Côn Đảo.

Để phát triển trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu sau: Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng phát triển du lịch của tỉnh, đồng thời phối hợp với  các bộ ngành và các địa phương trong vùng khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng: cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo, xây dựng Cảng tàu khách quốc tế và hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu, các tuyến đường sắt đô thị,… nhằm tăng cường sự liên kết các hoạt động du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung với các địa phương trong khu vực.

Phát triển các đô thị, nhất là đô thị du lịch ven biển theo mô hình đô thị xanh, bền vững, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tạo môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội, đáng sống, hấp dẫn du khách. Phát triển các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp. Tập trung phát triển loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trở thành sản phẩm mang tính đặc trưng, phát triển các khu du lịch phức hợp, đẳng cấp quốc tế;… để Bà Rịa - Vũng Tàu đủ điều kiện trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, trung tâm giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.

Xây dựng kiến tạo hệ thống giá trị văn hóa du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, bao gồm các nội dung chủ yếu: bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn; xây dựng văn hoá du lịch theo các chuẩn mực văn minh, tiến bộ; giáo dục lòng tự hào, tình yêu quê hương; giáo dục lối sống, phong cách sống, văn hóa ứng xử với cộng đồng, giáo dục tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường bền vững.

Nâng cao nhận thức về du lịch, về tầm quan trọng của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; tổ chức hoạt động du lịch thông suốt, hệ thống.  Chú trọng liên kết thu hút đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Duy Khánh, H. Hải, Thu Hoài