Dồi dào tiềm năng
Là tỉnh nằm trong khu vực Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giai đoạn 2020-2025, Bà Rịa-Vũng Tàu xác định phát triển nhanh ngành du lịch theo hướng bền vững, chất lượng cao, đưa du lịch là một trong bốn trụ cột kinh tế quan trọng của địa phương.
Được thiên nhiên ưu đãi, BR-VT sở hữu những tuyệt tác thiên nhiên tạo ra từ hơn 50 ngọn núi, quả đồi, trải dài đến sát biển. BR-VT còn có bờ biển dài hơn 300km với hệ sinh thái biển và ven biển đa dạng, khác biệt, tỉnh có những sản phẩm du lịch biển đảo nổi bật như lặn biển, câu cá, ngắm san hô, nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó là những cánh rừng nguyên sinh, đặc biệt là 2 khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu và vườn Quốc gia Côn Đảo. Riêng vườn Quốc gia Côn Đảo là ramsar thế giới thứ 6 của Việt Nam và là ramsar nằm đầu tiên nằm biệt lập giữa biển khơi.
Suối khoáng nóng Bình Châu rất phù hợp loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sức khỏe. Các địa danh núi Lớn, núi Nhỏ, núi Minh Đạm, núi Dinh đã và đang hình thành nhiều khu du lịch phức hợp tầm cỡ quốc tế.
BR-VT còn sở hữu nhiều di sản văn hóa, nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch: 28 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cùng nhiều di tích cấp tỉnh, nhiều di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội Lăng ông Nam Hải-đình Thắng Tam, Lễ hội Dinh Cô-Long Hải, Lễ hội ông Trần-Nhà lớn Long Sơn, lễ giỗ Nữ Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu... đã trở thành những điểm đến, sản phẩm du lịch mang giá trị riêng có của một địa phương ở khu vực Đông Nam Bộ.
Ngoài ra, các làng nghề truyền thống như làng bún Long Kiên (thành phố Bà Rịa), làng cá Phước Hải (huyện Đất Đỏ), làng bánh Tráng (xã An Ngãi, Long Điền), bánh Tét bắp (huyện Đất Đỏ)… được bảo tồn, duy trì gắn với phát triển du lịch cộng đồng từ nhiều năm nay, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đặc sắc, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, khám phá.
Đưa du lịch là một trong bốn trụ cột kinh tế quan trọng
Tỉnh thực hiện nhất quán quan điểm phát triển nhanh ngành du lịch theo hướng bền vững, chất lượng cao, đưa du lịch là một trong bốn trụ cột kinh tế quan trọng.
Bà Rịa-Vũng Tàu đặc biệt coi trọng việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với xây dựng, củng cố thương hiệu du lịch; thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững. Phấn đấu đưa doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 10,81%/năm; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tăng 12,4%/năm. Đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp thuộc 8 loại hình: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh, du lịch vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch thể thao...
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh ưu tiên dành quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư những tổ hợp du lịch quy mô lớn, với các thương hiệu du lịch quốc tế cao cấp.
Đồng thời, tỉnh có kế hoạch phục hồi thương hiệu các địa danh du lịch nổi tiếng của địa phương trước đây; tập trung giải quyết, tháo gỡ điểm nghẽn trong triển khai các dự án du lịch; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tạo không gian khai thác tối đa hiệu quả tuyến ven biển và khu vực phụ cận cho phát triển du lịch; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế du thuyền, kinh tế đêm, thúc đẩy phát triển du lịch bằng đường biển.
Theo kế hoạch phát triển, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực phát triển dịch vụ du lịch. Tỉnh chủ động mời gọi nhà đầu tư có đẳng cấp, đủ năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển các dự án du lịch lớn tại một số khu đất có tiềm năng của tỉnh như Khu du lịch Núi Dinh (thị xã Phú Mỹ), vườn thú hoang dã Safari (huyện Xuyên Mộc), khu Paradise, dự án Atlantis, khu Mũi Nghinh Phong, khu Bãi Trước, khu Bàu Trũng (thành phố Vũng Tàu), các dự án tuyến du lịch ven biển Vũng Tàu-Long Hải-Phước Hải-Xuyên Mộc và khu du lịch quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo).
Phú Mỹ