Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ VII đã đặt mục về giao thông vận tải trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 như sau: "Xây dựng kết cấu đồng bộ, hiện đại và bền vững, lấy giao thông đường bộ làm trọng tâm, cảng biển chính là trụ cột, giao thông hàng không, đường thủy là lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, hội nhập quốc tế” .

Để sớm đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành một cực phát triển quan trọng của cả nước, năm 2022, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh, trong đó cân đối bổ sung gần 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư 10 dự án hạ tầng giao thông kết nối.

Điển hình như: dự án thành phần 3 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); Nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 994 (đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu) đoạn từ cầu Sông Ray đến Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy (huyện Xuyên Mộc); Dự án nâng cấp, mở rộng đoạn từ vòng xoay Nhà Lớn đến Quốc lộ 51 và xây mới đoạn từ Quốc lộ 51 đến cầu Cửa Lấp (TP. Vũng Tàu).

Xác định đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mở rộng đường giao thông quan trọng theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng.

Giao thông hàng không ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành rất sớm. Trước đây, sân bay Vũng Tàu chủ yếu dành cho trực thăng và phục vụ ngành dầu khí. Giờ đây, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách bay bằng trực thăng, bộ phận quản lý đã thêm 2 chuyến khứ hồi mỗi tuần từ TP. Vũng Tàu ra huyện Côn Đảo.

Từ chỗ chỉ có hơn 100 km đường nhựa, đến năm 2022, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh cơ bản hoàn thành bộ khung kết cấu chung với hơn  4.600km đường, trong đó gần 2.700km đường được nhựa hóa.

Bà Rịa – Vũng Tàu đang có 50 dự án cảng đang vận hành, khai thác với công suất thiết kế 150 triệu tấn/năm và tổng chiều dài là 16.958 m. Trong đó, có 8 dự án cảng container lớn sở hữu công suất 8,3 triệu TED/năm. Riêng cụm cảng Cái Mép là một trong 19 cảng lớn của thế giới đón được siêu tàu.

Đặc biệt, nhiều đường giao thông quan trọng kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với Quốc lộ 51 như: đường liên cảng Cái Mép- Thị Vải, đường 991B, Phước Hòa – Cái Mép được đầu tư kết nối đồng bộ hành lang tuyến kinh tế ven biển. Thuận lợi về giao thông kết nối, giúp cho Bà Rịa-Vũng Tàu có lợi thế thu hút nguồn hàng về Cái Mép-Thị Vải, phục vụ tối đa hoạt động xuất nhập khẩu giữa hệ thống cảng biển của tỉnh với khu vực TP.Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Á.

Hiện tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ đề án triển khai các dự án giao thông trọng điểm như: Cầu Phước An, Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Dự án cầu Phước An và cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua việc kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với hệ thống cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Điều này giúp bảo đảm giao thông thông suốt, khai thác thế mạnh, tiềm năng của tỉnh trong tương lai, gắn kết với các địa phương khác của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động tất cả  nguồn lực để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng cảng biển để tạo bước đột phá về cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng. Đẩy nhanh thực hiện cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An nhằm kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành để kết nối với phía Nam TP. Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nam bộ. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025. Thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án giao thông kết nối khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải như:  đường 991B, đường sau cảng Mỹ Xuân, đường Long Sơn - Cái Mép,  đường ĐT992 đoạn từ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến Quốc lộ 51, đường ven biển ĐT994, tuyến kết nối từ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến vòng xoay đường 3/2 TP.Vũng Tàu để phát triển du lịch, đô thị và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đồng thời, tỉnh cũng phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh để kết nối khu cảng Cái Mép - Thị Vải với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các khu vực công nghiệp, đô thị của 5 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An. Tập trung đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, trong đó ưu tiên đầu tư đoạn đến cảng Cái Mép để phát triển vận tải đa phương thức và kết nối với mạng lưới đường sắt của quốc gia và đường sắt xuyên Á.

Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Bộ GT-VT thúc đẩy tiến độ dự án nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo để phát triển du lịch và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; phối hợp nhà đầu tư xây dựng sân bay Hồ Tràm và thực hiện di dời sân bay Vũng Tàu qua khu vực Gò Găng để phát triển khu vực đô thị Vũng Tàu. “Thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển giao thông kết nối nội vùng, đồng thời cùng các địa phương đẩy nhanh việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng, nhằm phát huy cao nhất những lợi thế, tiềm năng của Bà Rịa-Vũng Tàu, tạo đà cho sự phát triển kinh tế của địa phương và toàn vùng.

Phú Mỹ