Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 26/11, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong bài tham luận đã nhấn mạnh: để có thể sớm hiện thực hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 24 đã đề ra, tỉnh xin được đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ một số vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, ưu tiên nguồn lực để đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch và định hướng đề ra tại Nghị quyết 24, trong đó yêu cầu tập trung nguồn lực để đầu tư và sớm hoàn thành các dự án giao thông có tính liên kết vùng, đặc biệt là tuyến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, tuyến kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống đường ven biển qua Bà Rịa-Vũng Tàu, Cảng hàng không Côn Đảo, nâng cấp cảng hàng không Biên Hoà - Vũng Tàu thành lưỡng dụng cấp 4E,…

Thứ hai, sớm hoàn thiện công tác lập quy hoạch và triển khai quy hoạch tổng thể Vùng Đông Nam Bộ theo hướng tích hợp, hiệu quả, trong đó lồng ghép tối đa, cụ thể hóa từng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 24, bảo đảm hướng đến tầm nhìn chung vì lợi ích tổng thể Vùng và cả nước; quy hoạch phải xác định rõ lợi thế cạnh tranh nổi bật và “phân vai” cho từng địa phương, tránh xung đột lợi ích làm suy yếu lợi thế cạnh tranh cả Vùng.

Thứ ba, xây dựng các nhóm giải pháp đột phá nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí và du lịch biển như Nghị quyết 24 đã nêu; điều này còn góp phần hiện thực hóa những mục tiêu và định hướng về chiến lược phát triển kinh tế biển mà Nghị quyết 36 (Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII) đã đề ra.

Thứ tư, có cách tiếp cận mới trong hợp tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Vùng, bao gồm chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế, người có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực ưu tiên như quản trị chiến lược, tài chính, công nghệ kỹ thuật số, kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch chất lượng cao. 

Thứ năm, cần thể chế hoá mô hình điều phối, liên kết nội vùng, liên vùng (với Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Trung Bộ) mà Nghị quyết 24 đã nhấn mạnh nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện các hoạt động phối hợp giữa các địa phương trong đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, phân bổ nguồn lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh nội vùng, gây lãng phí nguồn lực.

Liên quan đến mô hình khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương trong Vùng vì sự phát triển chung. Định hướng đây sẽ là mô hình khu thương mại tự do thế hệ mới dựa trên các nền tảng số hướng đến tăng trưởng xanh. Như cách tiếp cận xây dựng mô hình Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu xin được đóng vai trò đầu mối thực hiện nghiên cứu khả thi và đề xuất lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, nghiên cứu thí điểm áp dụng các chuẩn mực về đầu tư, thương mại, quản trị hàng đầu quốc tế hướng đến cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Phú Mỹ