Theo báo cáo về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước có 10/15 xã đạt nông thôn mới, 2 xã nông thôn mới nâng cao; 2 xã đã hoàn thành và gửi hồ sơ về tỉnh xét công nhận nông thôn mới (Đắk Nhau, Phước Sơn); xã Bom Bo đang hoàn thiện hồ sơ để xét công nhận nông thôn mới nâng cao.
Năm 2024, huyện phấn đấu đưa 3 xã còn lại, gồm Nghĩa Bình, Đồng Nai và Đăng Hà về đích nông thôn mới.
Xã Đức Liễu được công nhận về đích nông thôn mới nâng cao từ giữa tháng 11/2023. Từ năm 2021 đến nay, Đức Liễu được đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới nâng cao; trong đó, tỉnh và huyện hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng, số còn lại do xã và người dân cùng tham gia đóng góp. Phấn khởi trước kết quả đạt được, lãnh đạo xã đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn. Ông Trần Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Đức Liễu cho biết: Giai đoạn 2025-2030, xã phấn đấu đạt đô thị loại 5. Đảng bộ xã sẽ có nghị quyết để tập trung đầu tư, xây dựng các tiêu chí trong bộ tiêu chí của đô thị loại 5.
Để nâng chất xây dựng nông thôn, Bù Đăng chú trọng các cuộc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Hôm 22/8. UBND huyện phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Phước tiếp và làm việc với đoàn công tác Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận về chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới tại huyện Bù Đăng.
Đoàn đã đi tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới tại 02 xã Đức Liễu và Minh Hưng là 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo đó, đoàn đã thăm quan mô hình sản xuất chuỗi giá trị và thử chất lượng Sầu riêng của Công ty TNHH thương mại - đầu tư Trường Thịnh Phát và tham quan dây chuyền sản xuất hạt điều của Công ty cổ phần Hoàng Sơn I, thôn 2, xã Đức Liễu; Tham quan Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc Nhà văn hoá thôn của xã Minh Hưng và thăm quan Khu bảo tồn văn hoá dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo.
Qua tham quan thực tế tại hai địa phương và trao đổi trực tiếp, các thành viên đoàn công tác tỉnh Ninh Thuận ấn tượng với phương pháp, cách làm, cách vận động,… nhất là việc hướng dẫn, định hướng cho người dân, doanh nghiệp, HTX thực hiện việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, mã vùng trồng, OCOP, nhãn của các sản phẩm hiện có của địa phương để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài tạo thu nhập ổn định cho người dân và doanh nghiệp.
Những dấu ấn xây dựng nông thôn mới ở Bù Đăng sẽ là kinh nghiệm quý để tỉnh Ninh Thuận tham khảo và áp dụng linh hoạt vào thực tiễn trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.