Các cán bộ quản lý giáo dục cho biết số lượng giáo viên tham gia dự giờ theo phương pháp sinh hoạt chuyên môn mới như trong bức ảnh "ngàn like” là điều hết sức bình thường, thậm chí còn có thể nhiều hơn.

{keywords}

Tại một trường tiểu học

Đừng chỉ nhìn ở góc độ tiêu cực

Ông Hà Huy Giáp (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Bắc Giang) chia sẻ: “Dự giờ theo phương pháp mới, giáo viên phải đứng xung quanh như thế để có thể quan sát được học sinh, từ việc học cho đến từng nét mặt, thái độ...

Theo hướng của Bộ GD-ĐT, giờ đây không  còn kê ghế cho giáo viên ngồi cuối bởi như vậy chỉ có thể thấy lưng của các em học sinh. Các giáo viên đứng như vậy là chuyện bình thường. Mỗi một tổ chuyên môn 7 - 8 người là chuyện hết sức hợp lý, chứ chưa phải là nhiều”.

Theo ông Giáp, hiện nay hầu hết các tiết dự giờ ở các địa phương đều như thế, vì vậy học sinh cũng quen dần và cũng không quá áp lực.

 “Việc dự giờ, thao giảng nên có thường xuyên để giáo viên có thể nâng cao được chuyên môn. Bởi khi gặp những vấn đề khó khăn trong quá trình công tác, giảng dạy mà một cá nhân không giải quyết được thì cần nhiều cá nhân. Các giáo viên học hỏi được nhau rất nhiều qua những giờ dự như thế” - ông Giáp nói.

Ông Giáp cho rằng để hạn chế việc các giáo viên chuẩn bị dạy trước hay “diễn” nặng tính hình thức, Sở này chỉ đạo không phán xét buổi dự giờ. Vì vậy, giáo viên không phải chịu áp lực, và muốn đưa ra điều mà mình còn gặp khó khăn để đồng nghiệp trao đổi, góp ý và tháo gỡ.

“Cách mà chúng tôi dùng để hạn chế bệnh hình thức là xác định mục tiêu chính của những giờ thao giảng, dự giờ là tháo gỡ vướng mắc chứ không phải để tìm kiếm hạn chế, khuyết điểm để phán xét giáo viên” – ông Giáp nhấn mạnh.

Ông Trần Hậu Trung, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Tĩnh) cho rằng để đánh giá được giờ dạy thì phải có hình thức dự giờ.

Tuy nhiên, theo ông Trung, việc này không nên quá thường xuyên bởi  giáo viên đứng xung quanh quá nhiều ảnh hưởng đến tâm lý học trò và kể cả giáo viên cũng bị áp lực. Ngoài ra, việc đứng chen chúc xung quanh lớp học cũng tạo nên một hình ảnh phản cảm.

 “Việc dự giờ có hình thức hay không phụ thuộc ý thức người tham gia. Tuy nhiên nếu chuyên đề nào mà tổ bộ môn thấy cần thiết thì tổ chức, còn không thì thôi để tránh tạo áp lực cho học sinh”.

Nói về hướng lắp đặt camera để các thầy cô có thể ngồi cùng xem ở một phòng khác tách biệt lớp học, ông Trung cho rằng ngoài việc phải tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, dự giờ trực tiếp cũng có những ưu điểm nhất định.

 “Nếu không ngồi trực tiếp ở lớp học, các giáo viên khó có thể quan sát được hết tất cả học sinh, bối cảnh lớp học và đọc được ý nghĩ, ánh mắt, cử chỉ học sinh. Qua đó khó biết được phần học nào, phương pháp dạy nào mà học sinh thích thú, dễ tiếp thu”.

Ông Trung cho biết ông cũng phản đối chuyện dạy thử, học sinh chuẩn bị trước và yêu cầu tiết dạy đó phải là tiết học đầu tiên ở lớp học đó. “Bởi muốn thành công thì giờ học phải tự nhiên và những tình huống đã có trước thì không bao giờ gây được hứng thú cho học sinh”.

{keywords}

Trường TH Bàu Sen, TP.HCM

Không nên đòi hỏi quá nhiều từ giáo viên

“Thao giảng, dự giờ là để trao đổi kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp là nghiệp vụ sư phạm bình thường và các nước, các trường tiểu học trên thế giới vẫn thực hiện.

Nhà trường tạo một không khí thường xuyên, chuyên môn như vậy vì không có giáo viên nào hoàn chỉnh và có cơ hội bày tỏ ra để đồng nghiệp chia sẻ, giúp đỡ” - đây là ý kiến của ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM).

Ông Điệp đánh giá đây là hoạt động sư phạm rất tốt và nên thường xuyên tổ chức trong nhà trường. Tuy nhiên, ông Điệp cũng lo ngại việc dự giờ hiện nay vẫn đang nặng hình thức, biểu diễn quá nhiều khiến mất đi vai trò của hoạt động này.

Để giảm bệnh hình thức, ông Điệp cho rằng cán bộ quản lý không nên gây áp lực và đòi hỏi quá cao từ giáo viên, bởi giáo viên sẽ tìm cách đối phó.

“Thao giảng nếu đúng mục tiêu sẽ không áp lực cho học sinh. Tiết học đó nếu không được như ý cũng là điều bình thường, quan trọng là đừng đặt áp lực quản lý lên vấn đề này” - ông Điệp nói.

Cô Vũ Thị Nhung, giáo viên tiểu học ở Nam Định, đánh giá hiệu quả của những tiết dự giờ là giáo viên được đào sâu tìm tòi và áp dụng các phương pháp dạy học mới. Tuy nhiên, theo cô Nhung, việc các thầy cô đứng quá đông xung quanh lớp học sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh và cả giáo viên.

“Bản thân tôi từng dự nhiều giờ của đồng nghiệp thấy rằng viêc làm này còn nặng hình thức và thiếu tính trung thực. Các cô thường tập dượt trước quá nhiều, làm giờ học mất sự tự nhiên và không có nhiều những tình huống sư phạm cần giải quyết như trong thực tế. Điều này khiến cho việc dự giờ trở nên nhàm chán, không hiệu quả mà mang nặng tính hình thức.

Việc chuẩn bị quá cầu kỳ, vượt xa thực tế giảng dạy cũng không mạng lại nhiều ý nghĩa, tác dụng mà chỉ làm khổ cho chính giáo viên và học sinh” - cô Nhung nhận xét.

Theo cô Nhung, nhiều giờ dạy có đông người dự nhưng giáo viên đứng lớp tổ chức lớp học tốt, có hình thức truyền thụ hấp dẫn thì vẫn giúp học sinh bình tĩnh, sôi nổi trong giờ học.

Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM) thì cho biết ở trường mình việc dự giờ được chọn theo chuyên để.

Để khắc phục chuyện “hình thức”, bà Hà cho biết hiện trường đã không để giáo viên dạy học sinh lớp mình, hoặc thực hiện bốc thăm lớp dạy. Vì vậy, giáo viên không có thời gian để chuẩn bị trước cho học sinh mà chỉ chuẩn bị cho chính mình. “Cách làm này có thể giáo viên mới ra trường hoặc non nghề lo lắng, nhưng giáo viên vững vàng sẽ không lo”.

Còn đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, để giảm áp lực, từ năm ngoái Sở này đã yêu cầu không đánh giá việc dự giờ của giáo viên. Việc dự giờ chỉ có mục đích để góp ý làm sao cho tiết dạy tốt hơn.

Nhà trường chỉ đánh giá những tiết dạy của cán bộ quản lý để xếp loại giáo viên vào cuối năm. Những tiết còn lại, khi giáo viên dự giờ với nhau hoặc hiệu trưởng, hiệu phó dự giờ giáo viên, sẽ không đánh giá.

Vị này cho biết, mục đích của dự giờ là để giáo viên nâng cao trình độ tay nghề, Sở làm vậy để tập trung vào chuyên môn, giáo viên cũng cảm thấy thoải mái trong việc dự giờ.

Thanh Hùng - Lê Huyền