Tôi nghĩ bức thư chỉ đánh thức chúng ta nhìn thẳng vào thực tiễn, nguyên nhân cốt yếu của nó, trách nhiệm của mỗi con người, gia đình, trách nhiệm cộng đồng, tổ chức xã hội, trách nhiệm của Nhà nước.

LTS: Xung quanh vấn đề niềm tự hào và tinh thần dân tộc, mà gần đây càng được bàn luận sôi nổi sau khi xuất hiện bức thư được cho là của một du học sinh người Nhật Bản, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu góc nhìn của ông Dương Trung  Quốc - Uỷ viên hội đồng Di sản Quốc gia.

>> Tranh cãi bức thư nói trúng tật xấu của người Việt

Quốc gia nào cũng có niềm tự hào riêng

Bức thư của người được cho là du học sinh Nhật chỉ ra những tật xấu của người Việt đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều; theo ông có phải vì nó chạm vào niềm tự hào và tinh thần dân tộc của quốc gia?

Tôi nghĩ quốc gia nào cũng có tinh thần dân tộc và niềm tự hào của họ. Tự hào đó xuất phát từ hiện trạng ở mỗi quốc gia, ở một vị thế khác nhau của nước giàu hay nước nghèo, nước tiếp cận với tiến bộ trước và sau. Do đó khi đã nói đến "Tinh thần dân tộc", cũng sẽ động đến mối quan hệ trong các tương quan với các dân tộc khác, ở các quốc gia khác.

Để có một niềm tự hào dân tộc chân chính, mình phải tôn trọng người khác, hết sức tránh so sánh mình hơn họ hay là mình thua họ.

Mỗi quốc gia có một sắc thái riêng được quy định bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có cái nhìn lịch sử, niềm tự hào dân tộc, ý thức cộng đồng, ý thức ở đây bao gồm cái nhìn từ hai phía trách nhiệm và niềm tự hào: anh muốn tự hào thì anh phải đóng góp gì cho niềm tự hào ấy.

Cơ sở để nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc là gì, thưa ông?

Dân tộc nào cũng phải gắn bó văn hoá, vốn là di sản của nhiều thế hệ để lại. Trước hết là trong cách ứng xử với thiên nhiên, ví dụ như mình là xứ nhiệt đới, mình không mặc theo người ôn đới, người bắc cực được. Nhưng cái thứ 2 chính là ứng xử con người với con người trong các cộng đồng khác nhau. Vì thế nền văn hoá đương nhiên hết sức quan trọng.

Văn hoá cũng đặt ra những yêu cầu và khả năng tiếp nhận hội nhập những nền văn minh, nghĩa là phải có một năng lực ứng xử với nền văn hoá khác.

Anh có thể bị đồng hoá mù quáng, có thể trở nên thực dụng khước từ với tiến bộ. Hai cái thái độ cực đoan ấy đều không có lợi. Bài toán khó nhất chính là làm hài hoà các yếu tố mà vẫn giữ được bản sắc riêng và hội nhập.

Chính xác là niềm tự hào dân tộc nên dựa trên nền văn hoá, được hiểu theo nghĩa rất là rộng, vừa là di sản, vừa là công cụ để ta tồn tại phát triển, đồng thời cũng là định hướng để ta vươn tới phù hợp sự phát triển thế giới hiện đại.

{keywords}
Ông Dương Trung Quốc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thời điểm để nhìn lại giá trị

Ông có nghĩ hiện giờ niềm tự hào dân tộc của chúng ta đang sụt giảm, thể hiện qua những phản ứng tiêu cực của xã hội, đặc biệt bài viết "Việt Nam, nhà giàu và những đứa con chưa ngoan"?

Câu chuyện làm chúng ta sốc gần đây không chỉ là bức thư của du học sinh người Nhật này đâu, dù du học sinh đó có thật hay không. Điều quan trọng là nó nêu hiện trạng có thực.

Vấn đề đáng quan tâm là gần đây ở nhiều quốc gia có sự e dè đối với người Việt Nam. Chẳng hạn, như mới rồi có vụ việc một cô tiếp viên hàng không, thuộc lớp người được hưởng rất nhiều thuận lợi chứ không phải nghèo túng, lại làm bậy. Đây chính là cách làm giàu bất chính, quên mất cả cái danh dự quốc gia, chính là hiện tượng đáng suy nghĩ.

Tôi nghĩ bức thư chỉ đánh thức chúng ta nhìn thẳng vào thực tiễn, nguyên nhân cốt yếu của nó, trách nhiệm của mỗi con người, gia đình, trách nhiệm cộng đồng, tổ chức xã hội, trách nhiệm của Nhà nước.

Ví dụ như việc chúng ta đưa cơ chế muốn có chức vụ hay cương vị xã hội thì phải có bằng này bằng nọ. Muốn vươn lên thăng tiến trong đời sống là nhu cầu chính đáng, nhưng khi bằng mọi giá tạo ra một cơ chế như thế, thì chuyện bằng tiến sỹ giả, gian lận thi cử, phong bì phong bao, mua quyền bán chức sẽ nảy sinh.

Hãy nhìn cách doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng nhân công. Họ thực tế, không quá coi trọng bằng cấp, mà thông qua những cuộc phỏng vấn và những cách thực nghiệm để tìm ra những người họ đang cần.

Quay trở lại chuyện bức thư, tôi cho rằng những phân tích như thế có thể gây xúc động nhưng chúng ta vẫn phải hết sức bình tĩnh, không nên nhìn cái gì cũng xấu cả.

Chúng ta nên tìm những cái tốt để nhân lên, cái xấu thì học thái độ phán xét để đóng góp mang tính xây dựng, làm cho mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm hơn từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Cá nhân tôi cho rằng bức thư viết cho ai đó cũng nhằm đóng góp cho một quá trình như vậy thôi.

Làm thế nào để quá trình đó được thúc đẩy nhiều hơn, thưa ông?

Với những vấn đề nóng bỏng hiện tại, có thể nói đây là một thời điểm tốt để người dân Việt Nam nhìn lại những giá trị thật mà chúng ta đã làm được. Đó là những giá trị văn hóa đã tồn tại vượt thời gian của dân tộc và những giá trị như vậy mới có thể đại diện Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Thu Nga (Thực hiện)