-Quyết định hoãn thi hành án ở "phút 89", rồi nhiều vụ án bị hoãn thi hành đã gây ra nỗi bức xúc trong dư luận.

Ủy ban Tư pháp Quốc hội vừa hoàn thành báo cáo kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật đối với việc giải quyết khiếu nại, đề nghị xét lại bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện này như chất lượng xét xử các bản án, có hay không tiêu cực trong ngành tư pháp... đã được phân tích, mổ xẻ tại một buổi làm việc của ủy ban trong tuần qua.

{keywords}
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Minh Thăng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích, suốt nhiều năm nay, vấn đề giải quyết đơn kiến nghị giám đốc thẩm vẫn chưa hợp lý. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó một phần do chính quy định của luật. Cụ thể, theo bà Nga, luật pháp mở ra quy định quá rộng cho phép nhiều đối tượng có quyền đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm (đương sự, các cá nhân, cơ quan, tổ chức...).

"Điều này làm cho giám đốc thẩm trở thành một cấp xét xử thứ ba chứ không còn là trình tự xem xét đặc biệt nữa. Hệ quả là vừa làm mất đi tính ổn định của một bản án đã có hiệu lực pháp luật, lại vừa gây quá tải cho cơ quan xét xử", bà Nga nhận xét.

Bất hợp lý thứ hai là căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm vẫn còn quy định quá chung chung, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí là bị áp dụng tùy tiện..

Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH cũng phản ánh, dư luận nhân dân bày tỏ nghi ngờ về có hay không tiêu cực trong công tác giải quyết đơn thư, trong việc hoãn thi hành án để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

"Chẳng hạn như quyết định thi hành án hoãn ở phút thứ 89, sát thời điểm cưỡng chế? Rồi kháng nghị vào sát thời điểm đã hết hạn kháng nghị hoặc thời điểm quyết định thi hành án... Thứ tự xem xét các đơn thư cũng có vấn đề. Ví dụ, có những vụ vừa mới xử phúc thẩm xong đã kháng nghị luôn, trong khi đó lại có những vụ mà dân gửi đơn khiếu nại nhiều năm thì không được xem xét tới", bà Nga nêu dẫn chứng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện minh họa thêm bằng một thông tin khác, rằng có nhiều vụ việc bên dưới đã chuẩn bị để thi hành án mà rồi lại có chỉ đạo ở trên là đình hoãn. Nhiều vụ án bị hoãn thi hành đã gây ra nỗi bức xúc trong dư luận...

Những bất cập nêu trên đã được các cơ quan giám sát phản ánh và kiến nghị, đơn thư của dân cũng đã được chuyển tới các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều đơn thư mà Ủy ban Tư pháp QH chuyển đến cơ quan chức năng đều "rơi" vào im lặng, hoặc tình trạng chậm xử lý, dây dưa kéo dài, người có thẩm quyền và chức năng lại không trực tiếp đứng ra giải quyết mà phân cho nhiều tầng nấc trung gian cấp dưới.

"Có những vụ việc mà chúng tôi chuyển đơn thư của người dân lên Tòa án và Viện kiểm sát nhưng 5 năm sau mới có người trả lời, kéo dài qua cả hai khóa QH và khi trả lời lại là "chúng tôi đang nghiên cứu" hoặc "mới tiếp nhận hồ sơ", bà Lê Thị Nga kể lại.

Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, thì một số trường hợp, cơ quan chức năng trả lời chỉ là để cho có chứ không giải quyết được vấn đề. Đặc biệt là các vụ việc liên quan đến nhà đất, tranh chấp đất đai....

Ngay báo cáo của đoàn giám sát cũng cho thấy, luật chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế xem xét trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đơn thư của các cơ quan dân cử. Nên trong nhiều trường hợp, dù cơ quan chức năng chậm giải quyết, hay thậm chí không giải quyết nhưng vẫn không có chế tài đủ mạnh để xử lý.

Ủy ban Tư pháp QH cũng chỉ ra thêm nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là, chất lượng giải quyết đơn chưa cao, nội dung trả lời sơ sài, thiếu căn cứ thuyết phục nên người dân không đồng tình và vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo. Tỷ lệ giải quyết đơn cũng còn rất thấp, số đơn tồn của năm trước chuyển sang năm sau vẫn nhiều và chưa xử lý dứt điểm được tình trạng khiếu nại bức xúc, kéo dài. Cá biệt, có những vụ việc mà Ủy ban Tư pháp QH đã nghiên cứu và nhiều lần có công văn đôn đốc giải quyết nhưng rồi các cơ quan chức năng vẫn "án binh bất động".

Đoàn giám sát cho rằng Quốc hội nên sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung bộ luật tố tụng dân sự nhằm quy định chặt chẽ hơn về các căn cứ kháng nghị các bản án, quyết định dân sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Đồng thời, phải có cơ chế xem xét trách nhiệm các cơ quan chức năng trong khâu giải quyết đơn thư của các cơ quan dân cử. "Xem xét, bổ sung đánh giá chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo như một tiêu chí để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh", đoàn giám sát đề nghị.

  • L. Nhung