Bún cá làm từ cá thối và mỡ bẩn
Ở một số chợ đầu mối Hà Nội, khoảng 8 giờ sáng, khi vắng khách, những chủ hàng cá ngồi lọc cá. Những loại cá đã ươn, thậm chí những hôm trời nắng có khi còn bốc mùi, được lọc riêng phần thịt và xương để cung cấp cho những cửa hàng bún cá, cửa hàng cơm bình dân để làm món cá chiên xù.
Cá được rán trong chảo cáu bẩn với mỡ nổi đầy váng vàng đậm (Ảnh: VTC News) |
Không chỉ có nguồn gốc cá được đưa đến các quán bún không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mà ngay cả khi sơ chế các chủ của hàng ăn cũng coi thường sức khoẻ của người sử dụng. Họ rán cá trực tiếp bằng những loại mỡ thùng, mỡ đóng can, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nước phở chế từ thịt ôi thiu
Không mất công chế biến, lại nhanh, tiện và rẻ, nhiều quán phở, quán bún trên địa bàn Hà Nội chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng là có vài chục lít nước phở chế sẵn từ nước luộc và ép các loại thịt ôi thiu làm ruốc.
Loại nước phở này nhìn lõng bõng toàn mỡ và bụi bẩn (Ảnh: NĐT) |
Các loại thịt nhập về chế biến ruốc chủ yếu là các loại thịt ế, ôi thiu tại các chợ lớn nhỏ trên địa bàn Hà Nội, rồi thịt lợn sề, lợn bột, lợn ốm, lợn chết được mang về, luộc lên là có các loại thịt trắng muốt, làm ruốc trông rất bắt mắt.
Còn loại nước ép luộc thịt, nước ép thịt, thậm chí là loại nước rửa chảo xào thịt cũng được tận dụng để́ bán làm nước phở. Nước luộc thịt chỉ cần để lắng, gạn ra là có thể bán cho các cửa hàng phở ngon lành. Thậm chí, những hôm khách đông, cơ sở bán nước phở còn không có hàng để bán, họ phải pha với đường hóa học, gia vị để tạo mùi vị.
Bún chả vàng thơm nhờ hóa chất
Ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội, người ta có thể dễ dàng mua được loại hương liệu mà các hàng bún chả thường dùng để tạo mùi, tạo màu cho món chả nướng giúp chả có màu đẹp và thơm ngon, cuốn hút.
Để làm món nướng như vịt nướng, thịt nướng, các hàng quán không thể thiếu 2 loại phụ gia đó là một lọ hỗn hợp như dạng sa tế và một gói bột màu trắng. Những lọ phụ gia như thế chi chít chữ Trung Quốc, không có lấy một dòng phụ đề nào bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, chất bột trắng được đựng trong túi nilon, không nhãn mác.
Bún chả được chế biến mất vệ sinh (Ảnh: Viet Q) |
Một người bán hàng cho biết: Làm bún chả gia đình ăn thì người ta ít sử dụng đến công cụ hỗ trợ này, nhưng làm hàng bán thì cần phải có. Mỗi lọ có thể dùng cho 30kg thịt. Chỉ cần ướp qua thịt trước khi nướng là chả có màu vàng ngon, thay vì màu trắng nhờ nhờ. Hầu hết các quán bún chả đều phải dùng đến loại này vì thịt dùng để làm chả toàn là thịt ế, thịt ôi từ hôm trước hoặc thịt lợn bệnh. Chất này sẽ loại bỏ hết mùi ôi, thiu của thịt.
Nước bún riêu cua chế từ… phẩm màu công nghiệp
Trên thị trường, giá cua dao động từ 100-150 nghìn/kg. Vậy mà một bát bún cua thường được bán với giá chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng, với rất nhiều gạch cua và đậu rán. Vậy tại sao bún riêu cua lại được bán với giá siêu rẻ như vậy?
Thật ra, phần riêu cua trong bún cua thường được các hàng quán chế biến theo công thức 8 phần đậu phụ dầm nát, 2 phần cua. Theo lý giải của một người bán hàng: cái bát gạch cua to tổ chảng kia chả có mấy là gạch cua thật đâu. Đến 8 phần là đậu phụ dầm nát, trộn thêm 2 phần gạch cua, một ít hành khô rồi đem xào lẫn để vị cua ngấm vào phần đậu phụ dầm. Quán nào cũng thế cả thôi, họ mà dùng thịt cua nguyên chất thì phải bán 40.000- 50.000/ bát mới có lãi. Với giá chưa tới 20.000/bát thì chỉ ăn được hàng pha trộn.
Một bát riêu giả bằng phẩm màu trông thật bắt mắt (Ảnh: Nhịp cầu đầu tư) |
Còn nước dùng thì được chế từ… phẩm màu công nghiệp. Người bán hàng thường sử dụng loại phẩm màu công nghiệp dùng cho sơn, dầu đánh bàn ghế. Loại bột này được rất nhiều quán bún riêu, bún bò sử dụng. Nếu mua màu thực phẩm thì 300.000- 400.000 đồng/kg nhưng mua loại này chỉ 50.000 đồng/kg. Chỉ một chút chấm vào đầu đũa là cả một nồi bún riêu nổi váng gạch cua. Đây là điều hết sức nguy hiểm có thể gây tổn thương cho hệ thống thần kinh và tiêu hóa của người ăn, dẫn tới nguy cơ rối loạn về thần kinh cũng như mắc các chứng bệnh ung thư.
Hô biến phở thịt lợn sề thành phở bò
Theo một đầu bếp từng lăn lộn khắp Nam Bắc bằng nghề làm cơm, làm phở từ khi tuổi còn nhỏ, nay đã bỏ nghề thì làm phở bò giả bằng thịt lợn sề là trò lừa đảo trắng trợn, bẩn thỉu nhất. Anh "bật mí" về công nghệ làm giả thịt bò: “Một là dùng máu (tiết) bò trộn vào thịt lợn khi ướp để có mùi gây. Hai là dùng viên gia vị bò giá rẻ, mua đầy ngoài chợ, mỗi viên cho vài chảo thịt 5 – 7 cân là được như ý. Cách thứ ba là “võ” lấy xương bò tươi nguyên đập làm đôi, cho vào trần cùng với thịt. Trong quá trình trần, nước từ tủy, xương bò sẽ ngấm vào thịt, tạo mùi bò đặc trưng… Do thịt lợn sề thớ cũng to, dai, sẫm màu nên khéo chế biến, gia giảm, thêm ít gừng tươi vào nữa là vô tư lừa khách. Chỉ những người thật tinh mới để ý, mới biết được”.
Bát "phở bò" với những miếng thịt lợn sề. (Ảnh: VietNamNet) |
Một chủ quán phở ở Hà Nam tiết lộ: “Nhìn chung, về hàng ăn, khu vực này và Hà Nội là lắm trò làm ăn bẩn nhất. Giả dê, bò, trâu… đủ cả!”.
Để đảm bảo
khách hàng không nghi ngờ, các quán thường nhập hàng và thanh toán cho vài
ngày một lần. Ngoài các chiêu trò trong pha chế, nấu nướng, nhà hàng cũng
cẩn thận sai người “pha” thịt từ chiều, từ đêm hôm trước. Các tảng thịt lợn
được thái sẵn thành từng cục 3 lạng, nửa cân để sẵn trong tủ lạnh, khi có
khách sẽ lôi ra chế biến. Cùng màu đỏ, cùng độ dai, khách xuề xòa khó lòng
phân biệt được phở bò hay phở lợn, càng không thể biết thịt lợn tươi ngon
hay “có vấn đề” hay không.
Thu Hòa (tổng hợp)