Khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, ông Trump lý giải cho quyết định của mình bằng cách lập luận rằng thỏa thuận là một sai lầm, một phần vì các giới hạn đối với Iran sẽ kết thúc sau 15 năm, tiếp đó Tehran sẽ lại tự do sản xuất số lượng nhiên liệu hạt nhân tùy ý.
Căng thẳng tăng cao giữa Mỹ và Iran khiến nhiều người lo ngại chiến tranh sắp nổ ra. |
Nhưng giờ đây, thay vì nhượng bộ trước áp lực của Mỹ, Iran tuyên bố sẽ từ bỏ tất cả các giới hạn đó, sớm 10 năm trước lịch trình trong cam kết với 6 cường quốc hồi năm 2015.
Điều đó cho thấy nước cờ của ông Trump rõ ràng đang phản tác dụng. Tehran không còn tôn trọng bất cứ giới hạn nào, dù là về số lượng máy ly tâm làm giàu uranium, năng lực làm giàu uranium, lượng uranium đã làm giàu được dự trữ hay các hoạt động phát triển và nghiên cứu. Nước Cộng hòa Hồi giáo nêu điều kiện sẽ chỉ đổi ý nếu ông Trump đảo ngược tiến trình và dỡ bỏ trừng phạt.
Tuyên bố của Iran, về cơ bản, nghe giống như một hồi chuông khai tử thỏa thuận năm 2015. Và nước này cũng thiết lập lại các điều kiện, vốn đã khiến Mỹ và Israel phải cân nhắc phá hủy các cơ sở của Iran cách đây một thập niên, một lần nữa đưa họ tiến gần hơn tới bờ vực xung đột công khai với Tehran mà các bên đã tránh né được.
Bước đi mới của Iran gia tăng nguy cơ loại ngoại giao ra khỏi danh sách lựa chọn, đẩy căng thẳng leo thang thành hành động thù địch, nhất là sau cuộc không kích của Mỹ giết chết Thiếu tướng Qassem Suleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds. Một số chuyên gia thậm chí cho rằng nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran thông qua ngoại giao đã kết thúc.
"Hết rồi", David Albright - Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh quốc tế, tổ chức tư nhân chuyên theo dõi phổ biến hạt nhân, nhận định trong một cuộc phỏng vấn. "Nếu không có hạn chế về sản xuất thì sẽ chẳng có thỏa thuận nào".
Với đa phần thế giới, đặc biệt là người châu Âu, người Nga và người Trung Quốc - vốn là các bên tham gia ký thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran, thì quyết định rút khỏi thỏa thuận của ông Trump sẽ dẫn tới khủng hoảng.
Hành động đơn phương của nhà lãnh đạo Mỹ đã khởi sự một chuỗi các sự kiện - Mỹ tái áp đặt cấm vận với Iran, Tehran dần trở lại với các hoạt động hạt nhân, những việc làm dẫn tới cái chết của tướng Soleimani... Tất cả những điều đó có thể đẩy hai nước vào vực thẳm xung đột.
Thông báo mới của Iran có nghĩa là nước này không còn tuân thủ bất kỳ giới hạn nào về số lượng máy li tâm được phép lắp đặt để làm giàu uranium, hay mức độ uranium làm giàu. Iran không nói cụ thể có trở lại sản xuất ở mức 20%, một bước nhảy lớn tới uranium cấp độ bom, hay cao hơn nữa. Nhưng bằng cách cho phép các thanh sát viên tiếp tục ở lại Iran như tuyên bố của Ngoại trưởng Javad Zarif, nước Cộng hòa Hồi giáo rồi sẽ chứng kiến chiến dịch "áp lực tối đa" của chính nước này đối với phương Tây.
Mục tiêu ban đầu của Mỹ trong thỏa thuận 2015 là luôn giữ cho Iran cách ít nhất một năm mới có thể gom đủ nhiên liệu để chế tạo một đầu đạn. Nhưng từ trước thông báo ngày 5/1, một loạt các bước đi của Tehran nhằm loại dần các yếu tố của thỏa thuận đã làm giảm thời gian cảnh báo này xuống chỉ còn vài tháng.
Nguy hiểm giờ đây là không ai dám chắc người Iran tiến sát đến vũ khí đầu tiên ở mức nào, và có thể trở thành mục tiêu cho các kêu gọi hành động quân sự ở Mỹ và Israel.
Về bản chất, Iran đang thể hiện nước này có thể sản xuất bất kỳ loại nhiên liệu hạt nhân nào tùy thích, kể cả vật liệu cấp độ bom. Cả Mỹ và Israel đang đứng trước câu hỏi lớn: Liệu họ sẽ dùng hành động quân sự hay chiến tranh mạng để làm tê liệt các cơ sở sản xuất đó?
Hơn một thập niên trước, Mỹ và Israel hợp tác trong một nhiệm vụ có tên Thế vận hội Olympic, cuộc tấn công mạng tinh vi nhất trong lịch sử, để thâm nhập mã máy tính điều khiển các máy li tâm ở cơ sở làm giàu hạt nhân Natanz và khiến chúng nổ tung.
Người Iran sau đó đã phục hồi và tái thiết cơ sở này, tăng gấp 3 số lượng máy li tâm so với trước, đồng thời mở một trung tâm máy li tâm mới nằm sâu trong một ngọn núi có tên Fordow. Israel liên tục cân nhắc ném bom cơ sở này, nhưng không hành động vì bị Mỹ ngăn lại và vì có nhiều cảnh báo bên trong về nguy cơ làm bùng nổ chiến tranh.
Giờ đây, sau vụ tướng Soleimani bị Mỹ không kích giết chết, những hạn chế đó có thể sẽ không còn. Bên cạnh đó, mức độ minh bạch được yêu cầu trong thỏa thuận hạt nhân 2015 nếu không tồn tại nữa, thì phương Tây không thể tự tin đánh giá về những hành động và tham vọng hạt nhân của Iran.
Thanh Hảo