Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của xã hội. Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng là chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Với kinh phí lên đến hơn 3000 tỷ đồng, chuyển đổi số trong nông thôn mới bước đầu đã cho thấy những hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo của nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội.

Đây được xem là tiền đề quan trọng hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh trong thời gian tới. 

W-nongthon.png

Ngày 02/08/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.

Với mục tiêu thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng CNTT trong xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chương trình quốc gia về nông thôn mới, cải thiện phương thức hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, đề án xây dựng 4 mục tiêu cụ thể đến năm 2025. Bao gồm: xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, và một Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026-2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đề xuất nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, phát triển nền tảng cho chuyển đổi số. Quá trình này chủ yếu là nâng cao nhận thức, năng lực chuyển đổi số cho cán bộ toàn ngành nông nghiệp, cán bộ chương trình nông thôn mới và cộng đồng dân cư. Thứ hai, hoàn thiện chính sách và thể chế. Thứ ba, phát triển hạ tầng số và dữ liệu số.

Đây là biện pháp được đặc biệt lưu ý, khi liên quan tới chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối đồng bộ, và liên thông. Trên cơ sở này, nền tảng dữ liệu lớn (Big data) được hình thành để tiến tới xây dựng bản đồ số nông nghiệp.

Với tổng nguồn vốn dự kiến để triển khai chương trình giai đoạn 2021-2025 là 3.000 tỷ đồng, có 6 dự án được ưu tiên thực hiện. Đó là: (1) Thiết kế xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu số của Chương trình nông thôn mới (2) Ứng dụng trực tuyến phục vụ công tác lập kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp. (3) Ứng dụng chuyển đổi số hỗ trợ chương trình OCOP. (4) Ứng dụng chuyển đổi số phát triển du lịch cộng đồng. (5) Thí điểm mô hình Làng/xã thông minh tại các địa phương. (6) Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý về chuyển đổi số trong chương trình nông thôn mới.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng thí điểm một số mô hình làng, xã thông minh ứng dụng chuyển đổi số ở một số địa phương như: xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương); xã Vi Hương (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn); xã Yên Hòa (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình); xã An Nhơn (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp)... Mô hình này bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan, người dân được sử dụng nhiều tiện ích, dịch vụ thông minh, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công...

Đây có thể xem là “bước đi đột phá”, mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng sử dụng như người sản xuất, người tiêu dùng, cơ quan kiểm dịch, cơ quan quản lý... Ngành Nông nghiệp, các địa phương thu hút, lan tỏa  ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới.