Để phục vụ hoạt động thẩm tra Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn do Chính phủ trình Quốc hội theo Nghị quyết số 74/2018/QH14, mới đây, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội nghị "Tham vấn sáng kiến xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn."
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết: tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, trên cơ sở đánh giá kết quả 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, tháng 10/2019, để thực hiện Đề án vào năm 2021.
Đề án tổng thể phát triển kinh tế –xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được chuẩn bị công phu - Hình minh họa |
Bên cạnh khẳng định sự cần thiết của Đề án đối với sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ Đề án của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng chỉ ra những điểm cần bổ sung, điều chỉnh ở từng nội dung cụ thể.
Các ý kiến góp ý tại cuộc họp cho thấy, đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết, tầm quan trọng của Đề án và đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học của UBDT trong quá trình xây dựng Đề án.
“Tôi rất tâm đắc cách làm của Ủy ban Dân tộc. Công tác chuẩn bị xây dựng Đề án rất bài bản, khoa học. Cách lựa chọn vấn đề, đưa ra giải pháp phù hợp, làm rõ quan điểm mới trong xây dựng chính sách dân tộc. Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đã khảo sát cụ thể để thẩm tra Đề án”. Bà Vương Ngọc Hà - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang chia sẻ.
Vùng dân tộc thiểu số, miền núi nước ta có 5.266 xã, trong đó có 1.957 xã khu vực vùng III và 20.139 thôn, bản ngoài xã khu vực III thuộc diện đặc biệt khó khăn; vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có 291 xã, bãi ngang và hải đảo vào diện đầu tư đặc biệt khó khăn.
Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 3,04 triệu hộ, 13,38 triệu người. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung là những khu vực trọng yếu, giữ vai trò quan trọng.
Dự thảo đề án nêu rõ sự cần thiết ban hành, căn cứ xây dựng đề án; thực trạng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đề án được xây dựng với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh giảm nghèo; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng phát triển giáo dục đào tạo; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số; phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.
Phát triển giáo dục đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt quan tâm - Hình minh họa |
Nội dung Đề án tập trung về chính sách đầu tư ở 3 lĩnh vực lớn là phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng. Đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, đặc biệt đổi mới mạnh trong việc phân định lại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tổng hợp toàn bộ chính sách lại thành 11 nghị định của Chính phủ; phân bổ vốn; thành lập Ban chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương. Đề án cũng phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; tổ chức thực hiện; những kiến nghị đề xuất.
Bài: Bùi Bình Minh - Nhóm PV
Ảnh: Hồ Thị Nhụy - Nhóm PV