Sáng 4/11, "chia lửa" với Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông tại phiên chất vấn, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, còn có những hạn chế như hành lang pháp lý chưa hoàn thiện trong vấn đề an ninh mạng.
Theo Bộ trưởng Công an, việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đi vào thực chất, nặng về hình thức, có tình trạng "khoán trắng" việc bảo vệ an ninh mạng cho các cơ quan chuyên trách. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm chưa hiệu quả, triệt để, kịp thời.
"Quản lý sử dụng sim rất quan trọng, chúng tôi cũng nhiều lần đề nghị các doanh nghiệp khi phát hành sim phải loại bỏ sim rác, góp phần lành mạnh thông tin và các giao dịch trong xã hội", Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.
Về giải pháp, Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu đẩy mạnh các hoạt động của Ban Chỉ đạo an toàn an mạng quốc gia, hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, quản lý nhà nước về an ninh mạng; đồng thời nâng cao trình độ năng lực, quan tâm đầu tư trang bị, công cụ, phương tiện nghiệp vụ hiện đại cho lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao.
Đối với tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá thực tế hiện nay đang diễn ra rất phức tạp. Tới đây sẽ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Giải pháp khác được Bộ trưởng nhấn mạnh, đó là đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo hệ thống an ninh thông tin. "Vấn đề này rất quan trọng, dữ liệu như Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông nói là tài sản quốc gia cũng cần phải được bảo đảm, trong đó có dữ liệu bí mật cá nhân”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin, hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức triển khai kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 12 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp nhà nước và Uỷ ban Nhân dân 5 địa phương.
Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu này còn gặp một số khó khăn khi hạ tầng công nghệ thông tin nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, thiếu đồng bộ.
"Thời gian tới, Bộ Công an sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát việc kết nối này. Theo kinh nghiệm của Bộ Công an, nếu đã có cơ sở dữ liệu phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Đúng, đủ, sạch, sống. Thiếu những yếu tố này thì không thể hoàn thiện được", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về tiện ích của tài khoản định danh điện tử, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức. Đây là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Tính đến ngày 1/11, Bộ Công an đã cấp hơn 12 triệu hồ sơ định danh điện tử cho công dân.
Theo Bộ trưởng Công an, việc sử dụng tài khoản này mang lại rất nhiều tiện tích cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể, người dân sẽ dễ dàng trao đổi thông tin, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, không phải điền thông tin khi giao dịch các thủ tục với cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân khi phải kê khai 1 lần, và thực hiện "4 không": Không tiếp xúc, không giấy tờ, không tiền mặt, không gặp gỡ.
Đối với doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, việc thông qua tài khoản định danh xác thực điện tử giúp thuận lợi trong ký hợp đồng điện tử, ký kết thỏa thuận kinh tế, tiết kiệm chi phí in ấn, đi lại, gặp gỡ, tránh rủi ro khi giao dịch. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, sẽ dễ dàng hơn trong quản lý, không phải lưu nhiều giấy tờ, tiết kiệm chi phí in ấn, quản lý tài liệu.
Liên quan vấn đề hộ khẩu, đến 31/12 không còn giá trị theo quy định của Luật Cư trú (sửa đổi). Bộ trưởng cho biết, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo một nghị định sửa đổi 19 nghị định có liên quan, trong đó có vấn đề sổ hộ khẩu, dự kiến sẽ được thông qua và có giá trị trước ngày 15/12/2022.
Ngày 20/10, Bộ Công an cho biết, Nghị định số 59/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực thi hành từ hôm nay, trong đó quy định thông tin về tài khoản định danh điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử. Cụ thể, thông tin lịch sử về việc sử dụng tài khoản định danh điện tử được lưu trữ trong hệ thống định danh và xác thực điện tử với thời hạn 5 năm kể từ thời điểm sử dụng tài khoản. Thông tin về tài khoản định danh điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử. Từ ngày 20/10, mỗi cá nhân hay tổ chức đều có danh tính điện tử. |
Lê Diệu Thúy, Phùng Thu Thủy, Nguyễn Trần Chung