Sơn La là một tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên là 14,174 Km2 với hơn 274 Km đường biên giới tiếp giáp với 02 tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng – nước CHDCND Lào; gồm 12 huyện, thành phố; 204 xã, phường, thị trấn, dân số trên 1,2 triệu người, gồm 12 dân tộc cùng sinh sống.

Theo Công an tỉnh, trong những năm qua Đảng, Nhà nước và tỉnh Sơn La luôn quan tâm, chú trọng, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là đầu tư, triển khai các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, các công trình nước sạch nông thôn… nhằm phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong đời sống của đồng bào.

Đến nay, về cơ bản đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt, đồng bào tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống định canh, định cư, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp và đặc điểm đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào còn hạn chế, nhiều phong tục, tập quán còn lạc hậu; một số hủ tục chậm được xóa bỏ; kinh tế chủ yếu là canh tác, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi mang tính tự cung, tự cấp; chưa chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, do vậy một bộ phận đồng bào dân tộc thiếu số còn thuộc diện đói nghèo, đời sống còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến nảy sinh ý định di cư.

Thực trạng di cư trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu xảy ra trong một bộ phận đồng bào dân tộc Mông với nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do đồng bào dân tộc sinh sống tại vùng núi cao, biên giới, có đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức còn hạn chế, thiếu đất sản xuất nên di cư đi tìm vùng đất canh tác mới; một số trường hợp có người thân, gia đình đã di cư từ trước nay tác động, rủ đi ở cùng; một bộ phận nhân dân bị tuyên truyền, lôi kéo nên đã di cư đi nơi khác.

Điển hình trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra hiện tượng di cư ồ ạt đi huyện Mường Nhé, Điện Biên giai đoạn 2010 – 2011; đi các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2018… gây mất ANTT tại các vùng di cư đến, gây khó khăn cho công tác quản lý và an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước trong vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, tại Sơn La, vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú còn là vấn đề có tính lịch sử, đã tồn tại nhiều năm qua. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, một bộ phận dân cư của tỉnh này cư trú, sinh sống trên lãnh thổ của tỉnh kia, nhưng lại không có giấy tờ chứng minh quốc tịch và bị rơi vào tình trạng không quốc tịch. Việc chính phủ cho phép nhập quốc tịch Việt Nam đối với 294 công dân Lào đang cư trú tại tỉnh Sơn La hồi năm 2019 đã góp phần giúp các cơ quan chức năng và các huyện biên giới quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập cảnh của công dân Lào và công dân Việt Nam trong vùng biên giới hai nước, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới.

Nhìn lại vấn đề di dân của đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết phải khẳng định di cư tự do là nguồn gốc của sự lạc hậu, đói nghèo và bệnh tật. Người dân tộc Mông có câu “giàu di cư thì nghèo, nghèo di cư thì chết” vẫn còn nguyên giá trị; việc các hộ di cư từ nơi khác đến sẽ không có đất ở, đất sản xuất dẫn tới tình trạng chặt phá rừng phòng hộ để làm nương rẫy, lấy gỗ để làm nhà, săn bắn thú rừng để lấy thịt; những hoạt động này đã vi phạm luật bảo vệ rừng, luật bảo vệ môi trường, luật bảo vệ động vật hoang dã, tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, vi phạm pháp luật; một số trường hợp di cư do vì không có đất sản xuất nên đã xảy ra việc tranh chấp đất đai với các hộ dân sở tại gây mất an ninh trật tự tại địa bàn.

Khi chuẩn bị di cư, đồng bào không yên tâm lao động, sản xuất, bán hết tài sản, tư liệu sản xuất, chỉ mang theo những đồ vật thiết yếu nên cuộc sổng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn (thiếu đường, điện lưới, trạm y tế, trường học và nước sinh hoạt); phần lớn hiện nay cuộc sống của người dân di cư tự do dựa nhiều vào điều kiện tự nhiên, tự cung, tự cấp, khép kín và chậm phát triển; do điều kiện sinh sống khó khăn nên dễ nảy sinh bệnh tật, đói nghèo, con cháu không có điều kiện để đến trường.

Dân di cư tự do dẫn đến một số nơi, nhất là khu vực biên giới “trống dân ”, “trắng bản ”, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo vệ an ninh biên giới và chủ quyền biên giới quốc gia. Những trường hợp di cư ra nước ngoài hoạt động vi phạm pháp luật nước sở tại gây phức tạp trong quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước mà công dân di cư đến.

Có thể khẳng định, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán trong mọi thời kỳ, trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, luôn được bổ sung, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước, không dân tộc nào bị bỏ lại phía sau. Thời gian qua, đời sống của các vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang từng bước được cải thiện thông qua các chương trình Mục tiêu quốc gia Xóa đói giảm nghèo, chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới và gần đây nhất, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt triển khai.

Để ổn định di dân, giúp bà con thận trọng di cư tự do góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn ANTT trên địa bàn, công an tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh tuyên truyền tới bà con dân tộc thiểu số: Chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương nơi cư trú; tập trung lao động, sản xuất ổn định cuộc sống; không di cư, xuất cảnh trái phép, không tham gia các hoạt động gây mất ốn định trên địa bàn; Nêu cao tinh thần cảnh giác, thận trọng, tỉnh táo trước những thông tin xấu độc, sai sự thật, không nghe, không tin, không chia sẻ các thông tin liên quan đến hoạt động tuyên truyên, kích động, lôi kéo di cư tự do của đối tượng xấu; Khi phát hiện các đối tượng xấu có hoạt động tuyên truyền, tác động, rủ rê, lôi kéo, kích động đồng bào Mông di cư tự do, xuất cảnh trái phép đi sang nước ngoài hoặc làm những việc sai trái vi phạm pháp luật thì phải khẩn trương báo cáo chính quyền địa phương và lực lượng Công an để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Giao Linh, Bích Hạnh, Ngọc Quý, Nguyễn Hằng, Kiều Oanh