- Hơn 20 năm trước, một người phụ nữ hành nghề chèo đò đã cứu 34 người thoát chết kỳ diệu. Hành động dũng cảm của bà từng được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động cùng nhiều bằng khen cao quý. Nhưng ít ai ngờ về số phận của bà 20 năm sau...

Những cánh tay vô vọng chới với

Một ngày đầu tháng giêng năm 1996, sương mù dày đặc che kín đỉnh núi. Trên mặt hồ Sông Rác vang lên tiếng la hét thất thanh khi con thuyền chở 84 người dân đi đốn củi bị chìm. Trong không gian hỗn độn chỉ còn thấy những cánh tay vô vọng chới với giữa biển nước mênh mông...

Giữa tháng 4/2018, chúng tôi tìm về thôn Thượng Phong, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh sau 22 năm, thời điểm con thuyền chở 85 người dân bị chìm giữa đáy hồ Sông Rác.

{keywords}
Bà Hệ giờ đây đã già, sống với chồng trong căn nhà nhỏ chật hẹp.

Ở xã Kỳ Phong hỏi đến nhà bà Nguyễn Thị Hệ không ai là không biết, không ít người còn nhớ như in ngày bà đã cướp khỏi tử thần 34 tính mạng trong thảm nạn chìm thuyền năm xưa.

Bà Hệ năm nay ngoài 70 tuổi, khuôn mặt khắc khổ, lưng bà oằn xuống theo những năm tháng chèo đò. Bà cùng người chồng thương binh sống trong ngôi nhà vỏn vẹn gần 30m2, xây dựng từ hàng chục năm trước.

Hỏi chuyện cứu 34 mạng người trong vụ chìm đò năm xưa, khuôn mặt bà trở nên buồn bã. Những giọt nước mắt của người đàn bà từng một thời lam lũ với sông nước lăn dài trên gò má, bà bảo: “Tôi ân hận suốt mấy chục năm qua vì không cứu được nhiều người hơn. Hơn 30 mạng người nằm lại dưới lòng hồ luôn làm tôi day dứt không thôi”. Dường như trong ký ức của bà còn vẫn còn ám ảnh bởi những bàn tay chới với dưới mặt hồ Sông Rác năm 1996.

Bà Hệ vốn người ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Năm 18 tuổi, bà tham gia dân quân du kích chống Mỹ cứu nước. Sau 6 tháng xông pha với bom đạn, bà trở về lấy chồng và định cư ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh hành nghề chèo thuyền trên hồ Sông Rác kiếm sống. Khách qua sông của bà chủ yếu những người dân miền xuôi ở các xã Kỳ Phong, Kỳ Tiến… đi kiếm củi trong các khu rừng thuộc huyện Kỳ Anh.

{keywords}
Ông Trung, chồng bà Hệ, là thương binh 3/4.

Nhớ lại buổi sáng định mệnh trên hồ Sông Rác, bà Hệ Sáng kể, ngày 4/1/1996, khi đang ăn cơm với người con trai đầu Nguyễn Văn Thực (SN 1973) để chuẩn bị lên thuyền đi làm, bà nghe trên sông văng vẳng tiếng người kêu cứu.

Vội bỏ bát đũa, bà cùng con trai chạy ra bến thuyền thì chứng kiến cảnh con thuyền của anh Hồ Văn Di (trú xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh) chở 84 người đang dần chìm xuống dưới lòng hồ.

Không một chút đắn đó, bà cùng người con trai nhanh chóng nổ máy đưa thuyền hướng về phía người dân gặp nạn. Lúc này mặt sông dày đặc sương, tiếng người kêu khóc thảm thiết.

“Tôi đưa thuyền đến nơi thấy hàng chục người đang chới với giữa lòng hồ. Tôi vội dùng cây sào dài dí xuống mặt nước để những người gặp nạn bám vào, sau đó kéo từng người một đưa lên thuyền”, bà Hệ nhớ lại.

Trong số 84 người có mặt trên chiếc thuyền, 54 người được cứu sống. Trong đó chính tay bà Hệ cứu sống 34 người, 11 người còn lại được người dân đánh cá cứu sống. 30 người khác vĩnh viễn bỏ mạng dưới đáy hồ Sông Rác.

“Họ là những người dân sống ở các xã quanh đây thường xuyên lên thuyền qua hồ để vào núi kiếm củi. Rất nhiều người là khách quen của tôi, người lớn có, học sinh có, họ chết thật đau lòng”, bà Hệ nhớ lại.

Nữ anh hùng trong lòng dân

Sau 22 năm, ký ức về vụ chìm thuyền vẫn còn là nỗi kinh hoàng của những người may mắn thoát chết trên hồ Sông Rác. Trong tâm khảm của những người được cứu sống, họ luôn ghi lòng tạc dạ công lao nữ “anh hùng” chèo đò năm xưa.

Anh Bùi Ngọc Anh (trú xã Kỳ Phong), người được chính tay bà Hệ cứu sống năm xưa, nhớ lại, sáng ngày 4/1, anh đến bến hồ Sông Rác rồi lên thuyền anh Di để vào rừng kiếm củi. Trên thuyền có tất cả 84 người, họ đều là phu củi lâu năm và đi lại đều đặn trên thuyền.

{keywords}
Anh Bùi Ngọc Anh, một trong 34 người được bà Hệ cứu sống trong thảm nạn chìm đò năm xưa.

“Thuyền ra đến giữa hồ bất ngờ rung lắc mạnh, nước ập vào thuyền rất nhiều. Những người trên thuyền bắt đầu hoảng loạn. Một số nhảy xuống hồ, số khác bám vào mạn thuyền bị nước nhấn chìm trong tích tắc”, anh Anh nhớ lại.

Khoảng cách từ nơi gặp nạn cách bờ 500m, thời điểm thuyền chìm lúc 7 giờ sáng, sương vây kín mặt nước nên không thể phân biệt được hướng của bờ để bơi vào. Lòng hồ sâu, nhiều người biết bơi nhưng mất phương hướng nên bơi toán loạn thành ra kiệt sức rồi chết đuối.

Trong khi chới với giữa dòng nước dữ, anh Anh may mắn tiếp cận được gần thuyền của bà Hệ, rồi được bà cứu lên thuyền đưa vào bờ an toàn. Sau đó, anh nhập viện vì bị vết cắt ở chân.

“Tôi và 33 người khác không được bà Hệ cứu kịp thời chắc bỏ mạng giữa lòng hồ 22 năm trước rồi. Bà ấy là ân nhân cứu tôi khỏi tử thần, công ơn ấy không bao giờ quên được”, anh nói.

{keywords}
 Ông Trần Văn Chính vẫn nhớ như in hành động cứu người của bà Hệ.

Để rõ hơn về câu người đàn bà cứu 34 mạng người năm xưa, chúng tôi tìm đến những người có chức trách ở xã Kỳ Phong thời điểm năm 1996, họ đồng thời cũng là người trực tiếp chứng kiến và cứu nạn trong vụ chìm thuyền.

Tiếp chúng tôi, ông Trần Văn Chính cho hay, thời điểm xảy ra vụ chìm thuyền ông giữ chức Phó chủ tịch kiêm Trưởng công an xã Kỳ Phong.

Ông kể, sáng ngày 4/1/1996, ông vừa đến trụ sở thì được người dân chạy lên báo thuyền anh Di chở theo hàng chục người bị chìm ở trên hồ. Ông tức tốc tới hiện trường thì bà Hệ và một số người dân đang cứu người dười hồ đưa lên bờ.

“Thuyền bà Hệ cứu được 34 người, 11 người còn lại được người dân đánh cá cứu sống. 30 người chết chúng tôi cũng huy động thuyền bè vớt được trong ngày gặp nạn. Những người tử vong sau đó đều được người thân đưa về quê an táng”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, tai nạn thảm khốc xảy ra hơn 20 năm qua nhưng hành động cứu người của bà Hệ người dân ai cũng rõ. Sau khi cứu thành công 34 mạng người dưới lòng hồ Sông Rác, bà Hệ được Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi thư khen ngợi, biểu dương, đồng thời dành tặng cho gia đình bà số tiền 5 triệu đồng.

Cùng trong năm 1996, Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng huân chương lao động hạng 3 cho bà Hệ vì đã có hành động dũng cảm cứu người trên hồ Sông Rác…

(Còn tiếp)

Cuộc tháo chạy của người phụ nữ khỏi phòng sếp lớn

Cuộc tháo chạy của người phụ nữ khỏi phòng sếp lớn

“Tôi nhớ rất rõ câu chuyện ấy bởi đó là một trong số những ca hiếm hoi về quấy rối tình dục nơi công sở tôi tư vấn. Thay vì đối mặt, nạn nhân thường chọn cách im lặng”, Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn An Chất chia sẻ.

Hình ảnh đẹp mỗi sáng trên khắp đất nước Lào

Hình ảnh đẹp mỗi sáng trên khắp đất nước Lào

Vào mỗi buổi bình minh, những vị sư ở khắp đất nước Lào lại lặng lẽ  đi khất thực mở đầu một ngày mới. Đây là nét văn hóa đặc sắc của đất nước trải qua nhiều thế kỷ lấy Phật giáo làm Quốc giáo này.

Điều đặc biệt phía sau xe bánh tráng 'Tôi không thể nghe và nói'

Điều đặc biệt phía sau xe bánh tráng 'Tôi không thể nghe và nói'

Câu chuyện phía sau chiếc xe bánh tráng gắn dòng chữ 'Tôi không thể nghe và nói' khiến nhiều người xúc động.

Đám cưới phú nông và người đẹp, dân bỏ việc đồng áng kéo ra xem

Đám cưới phú nông và người đẹp, dân bỏ việc đồng áng kéo ra xem

Nhà gái yêu cầu làm một con đường từ nhà trai đến nhà gái và phải trải chiếu trên tuyến đường ngày rước dâu. Ông Mậu Anh đã trải luôn lụa đỏ thay cho chiếu khiến người đời kinh ngạc.

Phú nông tiền chôn đầy vườn, xây dinh thự kiểu Pháp nội thất gỗ sưa

Phú nông tiền chôn đầy vườn, xây dinh thự kiểu Pháp nội thất gỗ sưa

Nhanh nhẹn, sáng tạo trong làm ăn nên chẳng mấy chốc ông Nguyễn Mậu Anh trở nên giàu có nhất vùng. Khi sở hữu khối gia tài đồ sộ, ông cho xây dinh thự 3 tầng kiểu Pháp. 

Lê Minh