- Khái niệm “nghệ thuật xuống đường” đã làm bối rối và cả phẫn uất tất cả những nhà phê bình mỹ thuật Việt, dù là những người dễ tính nhất.


Bán tranh như bán... thực phẩm

Nhóm phóng viên VietNamNet đã tiếp xúc với khá nhiều nhà kinh doanh đang lao vào thị trường tranh chép.

Những nhà kinh doanh này, có người xuất thân từ một ngành hơi có vẻ gần gũi với tranh sơn dầu như làm đồ gốm sứ, nhưng cũng có người chỉ thuần túy kinh doanh... giấy vệ sinh. Thế nên họ quan niệm việc sản xuất và tiêu thụ tranh chép sơn dầu không khác gì một món hàng thực phẩm thông thường.

Chỉ cần bỏ tiền, thuê mặt bằng hay tận dụng luôn mặt tiền ngôi nhà của mình, đi tìm 3-4 thợ chép từ nghiệp dư đến bán chuyên nghiệp mà không nhất thiết phải là chuyên nghiệp (thực ra đi tìm thợ chép chuyên nghiệp cũng khó như việc tìm bác sĩ hay giảng viên giỏi), là đã có thể hình thành nên bộ khung của một phòng tranh, để từ đó có thể phác thảo ra một bức tranh kinh doanh khá đa diện.

Ngổn ngang các thể loại tranh chép chen nhau chờ người mua

Còn về “sứ mệnh” kinh doanh và phương án kinh doanh thì đơn giản thôi: xét cho cùng tranh nào cũng là tranh, xét cho cùng khách nào cũng là thượng đế, vậy nên tranh gì thì tranh cũng cũng phải chiều theo ý muốn của thượng đế.

Thượng đế ấy, nếu có tồn tại trong các bức tranh cổ điển của Boticelli hay của Michel Ange thì tất nhiên cũng không ngoài động cơ chăm sóc cho những con chiên khách hàng ngoan đạo. Vả lại cũng có nhiều loại thượng đế, thượng đế Đồng Khởi khác, còn thượng đế Trần Phú khác. Không có sự đồng nhất về quan niệm nghệ thuật và cũng chẳng có sự đồng thuận về giá tranh chép. Nếu như ở khu vực trung tâm thành phố người ta có nống giá tranh chép lên 70-100 USD/ bức thì tại những khu vực “ngoại thành”, giá tranh chỉ bằng khoảng 2/3, thậm chí 1/2.

Thượng đế VIP và thượng đế bình dân

Chỉ cần nơi nào tạo ra một tỷ lệ lợi nhuận vừa phải là lập tức dòng tiền sẽ đổ vào nơi ấy. Ngày càng có nhiều người không chuyên nhảy vào thị trường tranh chép với khí thế hừng hực.

Tranh được rao bán trên web tranhchep.com

Để kinh doanh trong lĩnh vực này, điều kiện đầu tiên người ta thường tính đến là phải có một mặt bằng ở những vị trí sang trọng để thu hút khách, mà khách đây chủ yếu là khách nước ngoài. Những mặt bằng đó thường nằm ở khu vực trung tâm Quận 1, nhưng với giá thuê cắt cổ tính bằng ngàn đô la.

Thế nhưng chẳng bao lâu sau, quan niệm kinh doanh đó bị đạp bỏ, vì thế hệ mới kinh doanh tranh chép sớm phát minh ra rằng chính nguồn khách trong nước lại đang chiếm một thị phần đáng kể hơn hẳn so với thị phần khách nước ngoài, hơn nữa khách mua tranh trong nước lại có tâm lý khá thoải mái trong lựa chọn và trả giá mua tranh. Thế là quan niệm về vị trí mặt bằng bắt đầu thay đổi.

Không nhất thiết phải là những con đường trung tâm, mà chỉ cần là những tuyến đường lớn vừa phải gần trung tâm, với giá cả thuê mặt bằng rẻ hơn khá nhiều-tính bằng trăm đô la. Các tác giả lớn của nước ngoài cũng vì thế được “xuống đường”, tức không còn ở những vị trí trang trọng trên tường như tại các gallery khu trung tâm, mà được bày bán tới tận lề đường theo đúng nghĩa đen của từ này. 

"Quán Cà phê đêm" của Van Gogh
Ở một nơi được gọi là “Thị trấn tranh” của Trung Quốc, có người chép chuyên nghiệp có thể chép từ 6-8 bức Van Gogh mỗi ngày, và chỉ trong một thời gian đã sản xuất đến 25.000  tranh của Van Gogh, trong khi cả đời tác giả này chỉ vẽ được chưa đến 800 bức! Đó là chưa kể đến tài năng của họa sĩ chép tranh thời nay, bởi nếu so với Van Gogh cả đời không bán nổi lấy một bức, thì những người ăn theo họ Van kia ít nhiều đều tiêu thụ được tranh “sáng tác” của mình với mức giá cả mà hoàn toàn có thể nhấc Van Gogh khỏi hoàn cảnh khốn khó của ông.

Viết Lê Quân

>>Bài tiếp theo: Bát nháo, phẫn uất vì tranh chép