Lợi nhuận thu được sau mỗi chuyến “mua tận gốc, bán tận ngọn” là rất lớn, ngoài ra, lại rất khó bị các cơ quan chức năng phát hiện, nên buôn hoa quả nhập lậu từ Trung Quốc được xem là nghề “một vốn, bốn lời” và ngày càng có nhiều người làm.

Nghề… “buôn lậu an toàn”

“Buôn lậu an toàn” đó là cụm từ mà dân “chợ đen” thường nói với nhau mỗi khi nói đến nghề buôn hoa quả nhập lậu.

Dương Văn Tuấn (quê Chương Mỹ, Hà Nội), một lái xe chuyên chở hoa quả nhập lậu từ Lào Cai đem về Hà Nội tiêu thụ tự hào “khoe chiến tích” của mình rằng “chưa bao giờ bị bắt”. Tuyến đường Lào Cai – Hà Nội với Tuấn giờ thuộc như lòng bàn tay, có thể “biết từng ổ gà” vì đi lại nhiều lần.

Tuấn được chủ hàng ở Hà Nội thuê chở hoa quả nhập lậu từ khu vực chợ Cốc Lếu (TP Lào Cai) rồi đem về chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) để “đổ hàng” (giao cho đại lý đầu mối của chủ).

“Bình quân cứ 3 ngày một chuyến “đi hàng”, mỗi tuần 2 chuyến. Khi nào cảm thấy quản lý thị trường (QLTT) làm gắt gao quá thì “nới” ra một chút, nghỉ khoảng một tuần hay 10 ngày gì đó rồi lại làm tiếp. Xe tôi trọng tải nhỏ, chỉ 3,5 tấn nên chở cũng không được nhiều. Tuy nhiên chở bằng xe trọng tải nhỏ có một lợi thế hơn là ít bị để ý hay kiểm tra nên an toàn”, Tuấn cho biết.

Cũng theo Tuấn, sau mỗi chuyến “đi hàng” thành công, Tuấn được chủ trả cho từ 5 – 7 triệu đồng, tiền chi phí đi lại và xăng xe chủ tính riêng.



Và để qua mặt các cơ quan chức năng, tại Lào Cai, hoa quả lậu được bỏ vào trong các thùng xốp và xếp xuống bên dưới thùng xe. Ở bên trên, tài xế sẽ xếp lên những thùng hàng khác như linh kiện máy tính, phân bón hoặc những thùng hoa quả đã qua kiểm định và được dán tem dấu cẩn thận.

“Thường thì những xe vận tải loại nhỏ thế này rất ít khi bị CSGT hay QLTT kiểm tra. Nếu có cũng không bao giờ lục tung cả xe lên, chỉ kiểm tra qua loa bên trên xem chở hàng gì rồi cho đi thôi”, Tuấn cho biết thêm.

Qua tìm hiểu được biết, những xe mà các “đầu nậu” và chủ buôn hoa quả lậu thường sử dụng là những xe tải loại nhỏ, có trọng tải từ 3,5 – 5 tấn. Theo các tài xế chở hoa quả lậu thì loại xe này dù chở không được nhiều bằng những xe tải loại lớn nhưng lại hợp với địa hình đường miền núi nhỏ và dốc, và đặc biệt là không gây sự chú ý của các cơ quan chức năng trong quá trình vận chuyển.

Thu lãi “khủng”

Trên thực tế, lợi nhuận thu được sau mỗi chuyến “mua tận gốc, bán tận ngọn” lớn, lại ít bị các cơ quan chức năng phát hiện, nên buôn hoa quả nhập lậu từ Trung Quốc được xem là nghề “một vốn, bốn lời” và có nhiều người làm.

Bà Hương, chủ một đại lý đầu mối hoa quả lậu ở chợ Long Biên không ngần ngại khi nói “thẳng tưng”: “Nhiều người cứ bảo là đại lý đầu mối chúng tôi “ăn dày”, tự nâng giá bán thế này thế khác. Tôi nói thật nhé, đã xác định buôn bán là phải có lãi lời, không có lãi lời thì… ăn gì”.

Ngoài ra, bà Hương cho biết thường thì giá bán hoa quả nhập lậu từ Trung Quốc khi từ chợ đầu mối Lào Cai về đến Hà Nội sẽ tăng lên gấp 3 lần. Số hoa quả này sẽ được tư thương đầu mối bán lại cho các tư thương bán lẻ khác và khi bán ra thị trường cho khách hàng cuối cùng là người tiêu dùng, các tư thương bán lẻ sẽ tiếp tục nâng giá bán thêm một lần nữa.


Đội xe buôn lậu.

Một “đầu nậu” hoa quả ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) cho biết: Các loại quả hay nhập từ Trung Quốc về có nhiều loại, nhưng chủ yếu vẫn là táo, lê, cam và quýt. Hiện nay, táo và lê nhập lậu tại chợ đầu mối gần biên giới về có giá từ 2.500 – 3000 / kg, giá cam và quýt cũng tương tự. Lúc cao nhất thì giá mỗi loại cũng không vượt quá 4000 đồng/kg.

Khi về đến chợ Long Biên (Hà Nội), những loại quả trên sẽ được “đầu nậu” bán lại cho tư thương với giá từ 6.000 – 8.000 đồng / kg. Và khi bán ra thị trường cho người tiêu dùng, tiểu thương bán lẻ sẽ “đội giá” quả lậu tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.

Giải thích về lý do của việc “đội giá” trên, một chủ cửa hàng bán hoa quả ở chợ Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tăng giá bán lên thì mới có “hời”. Buôn hoa quả chủ yếu “ăn” nhờ cái này, chứ buôn hoa quả trong nước “hời” ít lắm”.

Cũng theo lời chủ cửa hàng này thì việc tăng giá bán lẻ hoa quả lậu còn là để tránh bị người mua… nghi ngờ.

“Thường thì ai cũng nghĩ nếu hoa quả bán giá rẻ là hoa quả nhập lậu, chất lượng kém hoặc vì sao đấy nên mới bán giá rẻ. Tâm lý ai cũng muốn chọn mua hoa quả có nguồn gốc trồng ở trong nước. Nói thực chứ, bây giờ trên thị trường chủ yếu là hoa quả nhập từ Trung Quốc về, chứ hoa quả nội địa thì hiếm lắm”, chủ cửa hàng này cho biết.

(Theo Soha)