Việc giữ lại 4.700 tỷ đồng cổ tức của BIDV và VietinBank làm giảm ngân sách tương ứng. Tuy nhiên, việc để lại số cổ tức này tức là nhà nước tiếp tục đầu tư để tăng năng lực tài chính, giúp các ngân hàng an toàn hơn... từ đó tăng khả năng cung ứng thêm khoảng 50.000 tỷ vốn tín dụng cho nền kinh tế. Đây là một bài toán lợi ích cần tính đến mà không hề có một sự đáng đổi nào.

Cảnh báo chỉ số an toàn

Báo cáo Trung tâm nghiên cứu độc lập BIDV mới đây cho thấy, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) đang suy giảm một cách nghiêm trọng.

Theo đó, giai đoạn 2011-2015, hệ số an toàn vốn CAR của khối NHTMNN sụt giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay - gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, và thấp hơn mức bình quân 10,3% của ASEAN.

Nguyên nhân là do, tài sản có rủi ro - phần mẫu số của hệ số an toàn vốn CAR bao gồm các khoản tín dụng, đầu tư, tài sản có khác,... được điều chỉnh theo hệ số rủi ro theo quy định của khối này, tăng trưởng trung bình ở mức 19,4%/năm, cao hơn nhiều so mức 13,9%/năm toàn ngành, cao hơn hẳn mức 11,4%/năm của khối NHTM cổ phần.

{keywords}

Trường hợp vốn tự có của khối NHTMNN không được tăng trong năm 2016, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 7-8% trong năm nay.

Trong khi đó, vốn tự có (phần tử số của hệ số CAR bao gồm vốn chủ sở hữu, các khoản dự trữ và loại trừ một khoản vốn khác theo quy định) của khối tăng trưởng chỉ ở mức 15,43%/năm (chủ yếu do tăng từ vốn điều lệ, phát hành trái phiếu chuyển đổi).

Báo cáo cho rằng, tình hình có thể còn xấu hơn nếu 3 trong số 4 NHTM Nhà nước không thành công trong các đợt chào bán cổ phần ra thị trường và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn giúp cải thiện CAR ở một số thời điểm.

Cần lưu ý rằng, trong giai đoạn này, các NH trên thế giới đang hướng đến áp dụng các thông lệ ngày càng chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn trong hoạt động (Basel III), trong khi ngành NH Việt Nam triển khai nhiều biện pháp để áp dụng các chuẩn mực thông lệ quốc tế theo Basel trong tính toán CAR nên vừa làm giảm vốn tự có và làm tăng tài sản có rủi ro, từ đó tác động tiêu cực đến CAR.

Với vị thế khối NHTMNN gồm 4 NH (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) chiếm 45% thị phần thì việc suy giảm năng lực tài chính có thể tác động rất lớn tới nền kinh tế.

Một kịch bản đã được Trung tâm nghiên cứu BIDV cảnh báo, trong trường hợp vốn tự có của khối NHTMNN không được tăng trong năm 2016 (tương ứng với việc Nhà nước thu về toàn bộ cổ tức năm 2015), tăng trưởng tín dụng của khối NHTMNN chỉ ở mức 7-8% trong năm nay.

Khi đó, số vốn tín dụng thiếu hụt sẽ làm tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2016-2020 bị giảm trung bình 0,55%-0,6%/năm, dẫn đến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 dự kiến chỉ ở mức 6,05-6,4%/năm.

NH tăng vốn: Lợi lâu dài

Nếu năm 2015, BIDV và VietinBank không trả cổ tức bằng tiền mặt, tương đương với việc NSNN giảm thu khoảng 4.700 tỷ đồng từ nguồn cổ tức trong năm 2016 - chiếm một phần nhỏ khoảng 0,47% tổng thu NSNN, nhưng việc để các ngân hàng này giữ lại để tăng vốn đem lại những lợi ích dài hạn hơn.

{keywords}

Riêng việc tăng thêm 4.700 tỷ đồng vốn tự có cho BIDV và VietinBank, sẽ mở rộng thêm khoảng 50.000 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế

Trước hết, nguồn vốn này giúp các NHTMNN đáp ứng yêu cầu theo thông lệ quốc tế về quản trị NH, định hạng tín nhiệm, cũng như chấp hành quy định của pháp luật hiện hành về đảm bảo an toàn vốn.

Quan trọng hơn, khi có vốn tăng cường năng lực tài chính sẽ giúp mở rộng tín dụng, phục vụ tăng trưởng kinh tế. Dự kiến, chỉ tính riêng việc tăng thêm 4.700 tỷ đồng vốn tự có cho BIDV và VietinBank, khả năng sẽ mở rộng được thêm khoảng 50.000 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế.

Xét về dài hạn, khi Nhà nước đầu tư cho các NHTMNN, số cổ tức hàng năm thu được thêm lớn hơn lãi suất tiết kiệm, cao hơn so với đầu tư vào các ngành khác (cao hơn nhiều lãi suất Chính phủ đi vay), đặc biệt khi các NHTM bán bớt phần vốn Nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phần còn thu được thặng dư đáng kể.

Bên cạnh đó, khi cổ đông Nhà nước cho phép giữ lại phần cổ tức đó để đầu tư cho tương lai, thể hiện tầm nhìn chiến lược, dài hơi, có tương lai, khi đó thị trường (các nhà đầu tư) đánh giá cao, và giá cổ phiếu của định chế tài chính đó tăng lên, nhà đầu tư cam kết lâu dài; đây là lợi ích không hề nhỏ.

Đây cũng là điểm tích cực đối với nhà đầu tư tài chính hoặc đầu tư chiến lược, khi cân nhắc đầu tư/mua cổ phần tại các NHTMNN.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để có một hệ thống NH mạnh cần tập trung 2 yếu tố: quản trị rủi ro và tăng cường năng lực tài chính. Nhưng 2 yếu tố này của các NH Việt Nam đều chưa đạt chuẩn mực quốc tế. Việc huy động vốn của NHTMCPNN gặp nhiều khó khăn do chưa bán được cho NĐT chiến lược, trong khi cổ đông NN khó có thể góp thêm vốn.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính ngân hàng Ernst & Young (EY) Việt Nam cũng thừa nhận, điểm yếu của NH Việt chính là sự hạn chế về quy mô vốn cũng như về công nghệ và nhân lực. Để hội nhập, không còn con đường nào khác các ngân hàng phải tự lớn lên, về cả quy mô hoạt động cũng như về quản trị.

M. Hà