Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết tại Hội nghị trực tuyến về việc tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ của Bộ GTVT và Bộ Công an (11/12).
Lái xe tìm đủ cách “né” kiểm tra chở quá tải
Sau một thời gian triển khai “siết” xe quá tải phá đường ở nhiều địa phương bằng trạm cân lưu động số lượng xe ôtô vi phạm quy định về chở hàng hóa quá khổ, quá tải lưu thông trên đường đã giảm đáng kể.
Chủ hàng và lái xe vi phạm chở quá tải rất phổ biến. |
Đại tá Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho biết, cân điện tử nhạy cảm với độ ẩm nước trên đường, do vậy các lái xe tìm mọi thủ đoạn như tưới nước lên lốp xe để cân điện tử bị sai lệch, đường trơn trượt để hòng “né” qua các tuyến đường tránh, đường tỉnh lộ.
Ông Chiêu cũng cho biết, khi các cơ quan chức năng làm nghiêm thì các đơn vị vận tải không chở hàng lên các nhà máy dẫn đến việc ngừng hoạt động sản xuất, đe dọa đời sống công nhân và gây áp lực kinh tế cho tỉnh.
Đại diện Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cũng cho hay, tỉnh đã được trang bị trạm cân lưu động trong tháng 9 nhưng các phương tiện vượt trạm rất nhiều, nhất là vào thời điểm lực lượng giao ca hoặc mưa lớn, hoặc đi sang các đường tránh để tránh kiểm soát.
Ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, 80% xe trên đường xuất phát từ các cảng sông, cảng biển, kho. Do vậy nếu ngăn chặn được được tình trạng này thì xe chở quá tải sẽ giảm đáng kể…
Tuy nhiên, nếu cảng nào làm chặt thì hàng hóa lại chuyển sang các cảng khác gây mất cân đối. Do vậy, cần có chế tài bổ sung với các chủ xe, cảng biển khi xe chở quá tải.
Theo Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, quy định khi xe quá tải phải lập vi phạm, phải dỡ bỏ phần quá tải song việc này không khả thi mà cần phải có giải pháp kiên quyết hơn là giữ xe vi phạm đồng thời vấn đề bảo quản hàng hóa trên xe thì chủ hàng phải chịu trách nhiệm.
Nghiêm cấm can thiệp xử lý vi phạm
Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) đánh giá, xe quá tải bị xử lý trên đường chỉ là phần ngọn mà gốc của vấn đề chính là xử lý từ các kho cảng dựa vào năng lực dự báo vận tải của ngành giao thông.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ VN cho rằng, Cục Đăng kiểm phải tăng cường kiểm tra đột xuất phương tiện trên đường, thay đổi kích thước hình dáng phương tiện, sử dụng thiết bị ghi nhận vi phạm….
Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an nhìn nhận, tình trạng xe chở quả tái trọng cho phép đang làm ảnh hưởng các công trình giao thông cầu đường.
Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước còn buông lỏng, chưa quản lý lái xe, chủ xe, chủ hàng chạy theo lợi nhuận, bất chấp nguy cơ chở quá tải. Thêm vào đó công tác xử lý vi phạm còn nhiều khó khăn như kho bãi, hạ tải, chi phí hạ tải.
“Chủ hàng và lái xe vi phạm chở quá tải rất phổ biến. Khi bị xử lý thì thái độ bất hợp tác, phản ứng quyết liệt. thậm chí có trường hợp cán bộ thực thi bị các đối tượng này tấn công”, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết thêm.
Đại tướng Trần Đại Quang cũng cũng lưu ý, các Bộ, ngành địa phương có biện pháp phòng ngừa tiêu cực, nghiêm cấm can thiệp xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng xe quá tải, thì các bộ ban ngành, địa phương phải quyết tâm hành động một cách đồng lòng, đồng bộ, đồng tâm và đồng khởi.
Khi xử lý, lực lượng chức năng phải đảm bảo công khai, công bằng, nghiêm minh, phải cam kết không tiêu cực. Hơn nữa, nhân dân cũng phải vào cuộc thường xuyên kiểm tra, giám sát phát hiện tiêu cực.
Vũ Điệp