Hôm nay (7/4), cá nuôi lồng bè tiếp tục chết, nổi lên trên các sông Thái Bình, Kinh Thầy và một phần sông Sặt thuộc tỉnh Hải Dương. Hiện tượng này xảy ra liên tục trong nhiều ngày nay. Các đơn vị chuyên môn cũng như ngành nông nghiệp đang tích cực tìm nguyên nhân nhưng vẫn chưa có được đáp án.

Lấy mẫu xét nghiệm, nhưng chưa truy được căn nguyên

Trao đổi với PV VietNamNet, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương Bùi Văn Thăng cho biết: Cá chết trong đợt nắng nóng đầu mùa hè. Theo thống kê sơ bộ, hơn 300 tấn cá nuôi, có giá trị đã chết. Hiện tượng này xảy ra tập trung ở TP Hải Dương, Chí Linh, huyện Nam Sách,Tứ Kỳ trên các sông Thái Bình, Kinh Thầy. Nay thời tiết dịu, hiện tượng cá chết có giảm. Lực lượng chức năng vẫn phải huy động nhân lực, vật lực để vớt xác cá, tránh gây ô nhiễm cho nguồn nước.

chet ca 5.jpeg
Cá đến thời điểm thu hoạch bị chết la liệt.

Theo ông Thăng, Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác của Cục Thuỷ sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I về địa phương phối hợp với sở và các đơn vị liên quan tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, tìm nguyên nhân. Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy, nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao. Tuy nhiên, điều gì dẫn đến hiện tượng này thì ngành chuyên môn vẫn chưa làm rõ được.

chet ca 3.jpeg
Công nhân vớt cá chết.

Để ứng phó với hiện tượng trên, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đã có văn bản chỉ đạo việc tăng cường bảo vệ sản xuất trong nuôi trồng thủy sản. "Bộ NN&PTNT và tỉnh Hải Dương đang nóng lòng tìm ra nguyên nhân, nhằm ngăn chặn và hướng dẫn người dân giảm thiểu thiệt hại", ông Thăng thông tin.

chet ca 2.jpeg
Cá phân huỷ bốc mùi hôi thối.

Theo đó, sở này đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện một số nội dung đối với cá nuôi lồng bè trên sông.

Trong đó, các hộ nuôi cần theo dõi sát dự báo thời tiết để ứng phó với những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi; khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nổi lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường oxy và đảo nước.

Khi mực nước trên sông giảm, các hộ nuôi cần hạ thấp lồng nuôi để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5m-3m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao, đồng thời thực hiện sát khuẩn để phòng bệnh. Hạn chế đánh bắt, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng.

ca 12.jpeg
Nổi trắng sông, với mật độ dày đặc.

Thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông trong và ngoài lồng nuôi, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng nuôi.

chet ca 6.jpeg
Các bè cá thiệt hại lớn

Ngoài ra, các hộ nuôi nên cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm và chiều mát (buổi sáng cho ăn nhiều hơn buổi chiều) để cá nuôi sử dụng thức ăn hiệu quả nhất, tăng cường sức đề kháng cho cá.

Điều máy xúc để vớt cá, bảo vệ nguồn nước.

Ghi nhận của PV, ngoài các lồng bè trên sông Kinh Thầy, sông Thái Bình, tại sông Sặt, đoạn chạy qua địa phận xã Tân Tiến thuộc TP Hải Dương cũng có xác cá nổi lên trên mặt nước, với mật độ dày đặc.

chet hjxxc.jpeg
Máy xúc được huy động để vớt cá, bảo vệ nguồn nước.

Chính quyền đã phải điều máy xúc, huy động nhiều công nhân môi trường để tập trung vớt cá “cứu” nguồn nước, giảm mùi trong không khí.

ca 13.jpeg
Xót xa khi cá bị chết đã tới thời kỳ thu hoạch