Sau một loạt tên tuổi tới, sắp tới đây là 7-Eleven Việt Nam, các đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản sẽ tạo ra một áp lực lớn khiến các chuỗi cửa hàng tiện ích phải có những chiến lược riêng để giữ vị thế.
Tham vọng của đại gia Nhật
7-Eleven Việt Nam đang ráo riết tuyển nhân viên để chuẩn bị mở cửa hàng tiện ích đầu tiên tại TP.HCM. Với tốc độ mở rộng chóng mặt, đại gia đến từ Nhật từng trở thành ám ảnh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ.
Trên trang web của mình, thương hiệu bán lẻ này thông báo tuyển dụng các vị trí: nhân viên cửa hàng, quản lý cửa hàng, chuyên viên phát triển cửa hàng, chuyên viên marketing, chuyên viên đào tạo. Động thái này cho thấy, họ đã có kế hoạch khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM trong thời gian tới.
7-Eleven tham vọng tại thị trường Việt Nam |
Trong khi đó, một trang web của FPT cũng công bố thông tin, FPT IS vừa ký kết hợp đồng triển khai hệ thống quản lý tổng thể nguồn lực doanh nghiệp cho CTCP Seven System Việt Nam (SSV thuộc Tập đoàn Bán lẻ Seven Eleven), thời gian thực hiện là 4 tháng.
Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) cho hay, tập đoàn này sẽ khai trương cửa hàng đầu tiên vào khoảng tháng 4/2017 ở TP.HCM sau đó sẽ mở rộng ra thị trường cả nước. Trong vòng 3 năm, nhà bán lẻ lớn nhất của Nhật này sẽ mở 100 cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Việt Nam và đặt mục tiêu 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm.
Trước 7-Eleven đã có các tên tuổi bán lẻ của Nhật tại thị trường Việt Nam. Takashimaya, một trong những Trung tâm thương mại có lịch sử hình thành lâu đời nhất tại Nhật Bản, đã khai trương trung tâm thương mại rộng 15.000 m2 tại Saigon Center, TP.HCM.
Aeon hiện đang vận hành 3 trung tâm thương mại Aeon Mall tại TP.HCM, Bình Dương, trung tâm thứ 3 tại Hà Nội. Aeon còn hợp tác với Citimart và Fivimart. Đây được xem là chiến lược để Aeon khẳng định vị thế trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Bùng nổ cạnh tranh
7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng bậc nhất thế giới với khoảng 38.000 cửa hàng ở bên ngoài Nhật Bản. Thương hiệu này đã có mặt tại 16 quốc gia. Tại châu Á, hầu hết những quốc gia mà 7-Eleven có mặt đều có số lượng hơn 1.000 cửa hàng; nhiều nhất là tại Nhật Bản với 17.569 cửa hàng, ít nhất là Singapore cũng có tới 488 cửa hàng.
Cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng quyết liệt |
7-Eleven vốn dĩ hoạt động theo hình thức nhượng quyền kinh doanh, là nhà khai thác, chuyển nhượng, cấp phép các cửa hàng tiện ích lớn nhất thế giới với hơn 50.000 đại lý. Theo tờ Business Insider, cứ 2 tiếng lại có một cửa hàng 7-Eleven mới được mở ra trên thế giới.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, để đạt được tham vọng, 7-Eleven không hoàn toàn dễ dàng. Vinmart+ đang là đối thủ có đủ sức cạnh tranh với 7-Eleven, với khoảng 1.000 cửa hàng. Chuỗi cửa hàng tiện lợi này len lỏi vào từng ngõ ngách và dần trở thành đối thủ đáng gờm cho những cửa hàng tạp hóa. Với ưu thế về thương hiệu, mở cửa khá muộn, bán cả thực phẩm tươi, cộng thêm giá cả niêm yết rõ ràng, Vinmart+ cũng đang dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Trước đó, ngành bán lẻ đã xôn xao thông tin về việc 7-Eleven đang lên kế hoạch tấn công thị trường Việt Nam bằng cách thâu tóm toàn bộ chuỗi Vinmart+ của Vingroup. Theo một trang web về bán lẻ, đây là một phần trong kế hoạch mở 10.000 cửa hàng tại Việt Nam trong vòng 10 năm của 7-Eleven. Tuy nhiên, đại diện của Vingroup khẳng định không bao giờ bán thương hiệu Việt - cụ thể ở đây là chuỗi Vinmart+ - cho nước ngoài.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động cũng đang mở rộng sang lĩnh vực này thông qua Bách hóa Xanh. Trong năm 2017, Thế Giới Di Động sẽ đầu tư mạnh mẽ để đưa tổng số cửa hàng Bách hóa Xanh tại 2 quận Bình Tân và Tân Phú lên con số 350 cửa hàng; xây dựng 1 trung tâm phân phối. Mục tiêu của Bách hóa Xanh sẽ là doanh thu 2.500 tỷ, tăng 10 lần trong năm 2017 và sẵn sàng cho cuộc chơi lớn từ giữa 2018.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị phần ngành bán lẻ vẫn còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Mỗi doanh nghiệp có chiến lược riêng vẫn có nhiều cơ hội trên sân nhà, trong khi đó, người tiêu dùng vẫn được hưởng lợi nhất.
Duy Anh