Theo Kế hoạch trên, mục tiêu chung được tỉnh đặt ra là quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Theo đó, đối với phát triển Chính quyền số, tỉnh Cà Mau phấn đấu đến năm 2025 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau.
Bên cạnh đó, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời phục vụ người dân và phát triển KT-XH; 50% hoạt động kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Đối với phát triển kinh tế số, tỉnh đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.
Đối với phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, phấn đấu đến năm 2025 hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình có nhu cầu, 100% cấp xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.
Để chuyển đổi số thành công, tất cả các cơ quan, sở, ban, ngành phải quyết tâm thay đổi từ quy trình làm việc đến mô hình hoạt động mới. ảnh minh họa |
Ngoài ra, kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2030, những con số này sẽ được tăng lên để khẳng định công nghệ số hay chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Để chuyển đổi số thành công, tất cả các cơ quan, sở, ban, ngành phải quyết tâm thay đổi từ quy trình làm việc đến mô hình hoạt động mới, để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới.
Được biết, đến nay, toàn tỉnh đã đồng bộ hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin gồm: Các khối đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp.
Các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã có mạng nội bộ và kết nối Internet băng thông rộng.
Hầu hết cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ công việc chuyên môn. Duy trì tốt hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, việc sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử được lãnh đạo tỉnh quan tâm, thúc đẩy triển khai tại các cơ quan, đơn vị. Việc ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH.
Đặc biệt, các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông... trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo được sự chính xác, kịp thời trong quá trình xử lý, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.
Lê Thuý