Tại khu vực Nam Bộ, tỉnh Cà Mau là địa phương duy nhất có ba mặt giáp biển, với tổng chiều dài bờ biển hơn 250km. Đây cũng là một trong bốn địa phương có ngư trường khai thác thủy sản trọng điểm với hơn 4.500 tàu cá. Ngoài lợi thế về địa lý, vùng biển Cà Mau còn có tiềm năng lớn về dầu khí; du lịch biển đảo, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái ven biển và tiềm năng phát triển năng lượng sạch…

Cụm khí - điện - đạm Cà Mau

Cà Mau được xem là một trong những địa phương có tiềm năng kinh tế thủy sản lớn nhất nước. Chỉ tính riêng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 296.000 ha; trong đó diện tích nuôi tôm xuất khẩu trên 266.000 ha (chiếm hơn 1/3 diện tích nuôi tôm cả nước).

Vùng biển Cà Mau còn có ba cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc), trong đó cụm đảo Hòn Khoai nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế, có thể thu hút đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp nước sâu quy mô lớn gắn với tuyến Hành lang ven biển phía nam của tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Trong đất liền, Cà Mau có hai hệ sinh thái đan xen với miệt rừng ngập mặn đặc trưng phục vụ nuôi trồng thủy sản và miệt rừng tràm ngập ngọt gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ.

Nhờ lợi thế ấy mà trong suốt một thời gian dài, Cà Mau trở thành "vựa tôm" của cả nước khi tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình hằng năm cán mốc hơn một tỷ USD; các sản phẩm lúa, cá, rau màu… bảo đảm phục vụ tại địa phương và bán cho các vùng lân cận trong khu vực. Hiện nay, với đội tàu hàng nghìn chiếc, hàng năm sản lượng khai thác hải sản của Cà Mau đạt trên 150.000 tấn. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Hiện sản phẩm thủy hải sản của tỉnh đã xuất khẩu sang trên 40 nước, vùng lãnh thổ, mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. 

Vùng biển Cà Mau còn có tiềm năng lớn về khí đốt, trữ lượng khoảng 170 tỷ m3, là cơ sở để phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng khí tự nhiên như: điện, đạm và một số ngành sử dụng khí thấp áp khác, là một trong những trung tâm sản xuất điện và đạm của quốc gia.

Đặc biệt, đảo Hòn Khoai của tỉnh Cà Mau có tiềm năng rất lớn về xây dựng cảng biển nước sâu, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập hàng hóa tổng hợp cho các loại tàu có trọng tải 250.000 tấn, là cảng trung chuyển hàng hoá đa năng, không chỉ phục vụ vận chuyển hàng hoá cho tỉnh Cà Mau, mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, Cà Mau có 6/9 huyện tiếp giáp với biển, chiếm gần 60% dân số toàn tỉnh, vì thế nguồn lao động tham gia vào các hoạt động kinh tế biển khá dồi dào. Chỉ riêng các cửa biển trọng điểm về nghề khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá như: Kinh Hội, Sông Ông Đốc, Cái Đôi Vàm, Rạch Tàu, Gành Hào, Rạch Gốc... đã tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động.

Hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ, hệ sinh thái rừng đước Mũi Cà Mau, cùng với những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em tạo nên sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa nhân văn của tỉnh. Cà Mau có 02 Vườn quốc gia đó là Vườn quốc gia Mũi Cà Mau với diện tích tự nhiên 42.000 ha và Vườn quốc gia U Minh Hạ với diện tích 8.286 ha đã và đang thực hiện quy hoạch, đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái xứng tầm với những gì thiên nhiên đã ban tặng.

V.v... V.v...

Tuy nhiên, để tạo bứt phá mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế-xã hội, Cà Mau cần có những giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ những nút thắt đang là trở ngại đối với các nhà đầu tư.

Mặc dù đã cải thiện rất nhiều về PCI và nhiều mặt khác nhưng xét trên bình diện chung, nội tại kinh tế Cà Mau vẫn còn bất ổn, nhất là chất lượng tăng trưởng và thiếu hấp dẫn trong thu hút, kêu gọi đầu tư. Điều đó thể hiện rõ trong số thu ngân sách hằng năm của tỉnh với khu vực công thương nghiệp-dịch vụ ngoài quốc doanh chỉ dao động khoảng 600 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh. Trong khi đó, thống kê sơ bộ của ngành chức năng tỉnh, trong hơn 100 đơn vị, nhà đầu tư tìm đến Cà Mau khảo sát, có nguyện vọng hợp tác đầu tư từ đầu năm 2021 đến nay, số doanh nghiệp "trụ lại" chỉ đếm trên đầu ngón tay, số ít khác mới đang trong giai đoạn đề xuất dự án và chưa biết khi nào sẽ triển khai…

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ hai điểm nghẽn lớn nhất đối với Cà Mau là hạ tầng giao thông và quy hoạch. Đó cũng là lý do lãnh đạo tỉnh đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ủng hộ, quan tâm giúp Cà Mau tháo gỡ khó khăn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cũng thừa nhận: Dù ngành chức năng và chính quyền các cấp trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi về nhiều mặt, tuy nhiên suốt nhiều năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém đã trở thành "điểm nghẽn" khiến rất ít nhà đầu tư lớn, có tiềm lực mạnh về tài chính… mở rộng hợp tác, đầu tư tại tỉnh.

Tuy nhiên, Cà Mau cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để sớm tháo gỡ những nút thắt đang là trở ngại để tạo bứt phá mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế-xã hội.

Ngọc Hiển