Trong khi DN đang tìm mọi cách tiết giảm, cắt giảm chi phí… như một bước lùi, bảo toàn để tồn tại thì hết giá xăng, đến giá điện tăng dồn dập khiến cho DN trở tay không kịp. Mọi kế hoạch tiết kiệm đề ra trở nên vô nghĩa.

Tiết kiệm tiêu dùng vẫn tăng chi phí?

Thông thường mỗi khi giá điện tăng các doanh nghiệp luôn đưa ra những phương án tiết kiệm để giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, sau seri tăng giá xăng 3 lần trong hơn 1 tháng, đến tăng giá điện khiến nhiều DN bối rối khi mọi kế hoạch tiết kiệm chi phí bị đổ bể.

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng: “Nếu như mỗi hộ gia đình chi trả thêm 5% chi phí giá điện cho mỗi tháng vẫn có thể gắng gượng được. Tuy vậy đối với các công ty sản xuất kinh doanh, các ngành sử dụng nhiều điện như xi măng, sắt thép... thì việc tăng giá phải có lộ trình, phải báo trước, không thể tăng đột ngột, nhất là tăng quá mạnh được. Bởi đối với DN sản xuất kinh doanh, hoạt động phải theo tiến độ giá cả mà họ đã dự liệu. Đó là chưa nói đến việc điều chỉnh tăng giá mạnh cho một số ngành cần phải có lộ trình.

Quyết định tăng giá điện được các DN cho là quá bất ngờ. Hơn thế, việc tăng giá trong thời điểm khó khăn đã khiến giá điện đã vượt quá giới hạn chịu đựng nên tiết kiệm cũng không còn ý nghĩa.

{keywords}

Ông Nguyễn Lưu Tường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần XNK Nhà Bè chia sẻ: “Nếu giá điện tăng có lộ trình cụ thể thì phương án tiết kiệm có thể được tính toán kỹ hơn. Trong khi tứ bề đều tăng giá thì tiết kiệm được điện thì phần khác cũng đội giá lên. Muốn tiết kiệm đồng bộ thì phải có kế hoạch chứ không đơn giản là cắt khoản này, bớt khoản kia. Trong khi đó nhiều đơn hàng đã hợp đồng từ trước có thể bị lỗ do chi phí giá điện tăng cao.”

Các doanh nghiệp sản suất đã đang đau đầu với chi phí bị đội lên trong tháng tới khi giá điện tăng. Trong khi đó nỗi hoang mang cũng bao trùm lên các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh cá loại hình dịch vụ khi điện năng ngốn quá nhiều trong giờ cao điểm. Việc tiết kiệm cũng chưa kịp xây dựng, trong khi đó giá dịch vụ không thể tăng lên trong một sớm một chiều.

Ông Tào Văn Nghệ, Tổng giám đốc khách sạn Rex Sài Gòn cho biết: “Kinh doanh khách sạn cũng khó có thể tiết kiệm điện được vì nhu cầu của khách hàng luôn có. Hiện nay các thiết bị máy lạnh, chiếu sáng, nước nóng của khách sạn cũng đã sử dụng công nghệ tiết kiệm tối đa. Nhưng giá điện tăng lên đột ngột như thế này chi phí chắc chắn sẽ bị đội lên vì các phương án tiến kiệm vẫn không thể xoay sở kịp. Trong khi đó giá dịch vụ tại khách sạn đã được niêm yết cố định theo năm không thể tăng tùy tiện.”

Đánh tụt sức mua

Chỉ trong vòng tháng 7, một loạt các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sữa bột cho trẻ em đều tăng giá. Dễ thấy khả năng tăng giá các mặt hàng, dịch vụ khác là điều hoàn toàn có thể xảy ra, chỉ có điều là sớm hay muộn tùy vào hoạch định kinh doanh của các dịch vụ, ngành hàng đó.

Ông Nguyễn Xuân Quynh, Tổng Giám đốc công ty CP may Hưng Phú cho biết: “Mỗi tháng công ty phải chi cả trăm triệu đồng tiền điện. Nay giá điều chỉnh 5%, riêng tiền tăng trực tiếp đã 5-7 triệu đồng. Với hàng trăm công nhân, nhân viên, khi xăng lên, điện lên, gas lên thì DN buộc phải tính các cơ chế tăng tương ứng cho người lao động. Đó là khoản thấy rõ phải bù vào ổn định tâm lý người lao động chứ vẫn chưa thể đưa ra được phương án tiết kiệm.”

Trong khi các sản phẩm tiêu dùng cũng như dịch vụ không phải muốn tăng là tăng trong ngày một ngày hai. Điều này cũng gây không ít lo lắng cho người dân là giá dịch vụ và hàng tiêu dùng sẽ đột ngột tăng cao nếu không muốn ngẫu hứng theo điện, xăng.

{keywords}

Trước việc hàng loạt các mặt hàng thiết yếu tăng giá, Chị hoàng Thị Dương, (Phường 7, Quận Gò Vấp. TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Lương công chức của nhà nước cũng mới chỉ tăng có 100.000 đồng mỗi hệ số nhưng giá cả loại nào cũng tăng, chúng tôi làm sao theo kịp giá?. Điều lo nhất là giá điện tăng sẽ là giọt nước làm tàn ly đẩy giá tiêu dùng lên cao đột ngột. Ví dụ một tô bún không thể tăng lắt nhắt 1.000, 2.000 đồng… mà tăng luôn 5.000 để đón đầu, khỏi phải điều chỉnh khi điện và xăng tiếp tục tăng.”

Trong bối cảnh sức mua thị trường đang xuống thấp việc tăng giá điện phần nào ảnh hưởng tới hoạt động của các siêu thị muốn kích thích sức mua. Theo đại diện của Lotte Mart cho biết, vấn đề gồng gánh giá điện là điều buộc phải làm, việc lo lắng nhất là tâm lý mua sắm của người tiêu dùng đã chịu nhiều tác động. Bởi khi tiền điện góp phần đẩy chi phí sản xuất tăng cao, hàng hóa đắt đỏ thì khách hàng cũng không còn hào hứng đi mua sắm nữa.

Nam Phong