Mọi chuyện bắt đầu vào đầu những năm 2000, khi Henrique Sloper de Araújo tỉnh dậy và thấy rằng, đồn điền cà phê khoảng 50 ha của mình đã bị tàn phá bởi những con chim Jacu. Lúc đầu, ông đã vô cùng hoảng sợ, thậm chí còn gọi cho cả cảnh sát và các cơ quan bảo vệ môi trường. Nhưng họ cũng chẳng thể làm gì để giúp đỡ vì loài chim Jacu được pháp luật Brazil bảo vệ. Rồi trong cơn tuyệt vọng, Henrique tìm ra ánh sáng của đời mình.

Những con chim Jacu đã mang tới may mắn cho trang trại Camocim của Henrique. Ảnh: Modern Farm

Thời trẻ, Henrique là một người đam mê lướt sóng, việc theo đuổi những con sóng để cưỡi đã từng đưa ông đến Indonesia, nơi ông được giới thiệu về kopi luwak, một trong những loại cà phê đắt nhất thế giới, được làm từ hạt cà phê thu hoạch từ phân của con cầy hương Indonesia. Điều này đã cho Henrique một ý tưởng, nếu người Indonesia có thể thu hoạch quả cà phê từ phân của cầy hương, thì ông cũng có thể làm điều tương tự với phân của chim Jacu.

Việc thu hoạch phân chim không hề dễ dàng. Ảnh: Sea Island Coffee

“Tôi nhận ra mình có thể thử một thứ gì đó tương tự với Camocim và chim Jacu, nhưng việc nảy ra ý tưởng mới chỉ là một nửa trận chiến. Thách thức thực sự nằm ở việc thuyết phục những người hái cà phê của tôi rằng, thay vì quả mọng, họ cần phải săn lùng phân chim”, Henrique nói.

Rõ ràng, Henrique đã phải biến cuộc săn lùng phân chim Jacu thành một cuộc săn tìm "kho báu" đối với những người lao động, trả họ thù lao hậu hĩnh hơn để tìm kiếm số lượng nhất định hạt cà phê được thải ra bằng phân chim. Không có cách nào khác để thay đổi suy nghĩ của họ.

Quy trình sản xuất cà phê đòi hỏi nhiều công đoạn. Ảnh: Sea Island Coffee

Tuy nhiên, việc thu thập phân chim Jacu chỉ là bước khởi đầu của một quá trình rất vất vả. Quả cà phê sau đó phải được rửa sạch bằng tay, tách vỏ. Chính công việc khó nhọc này khiến cà phê Jacu bird đắt hơn đáng kể so với các loại cà phê khác, nhưng đó không phải là điều duy nhất.

Henrique phát hiện ra rằng những con chim Jacu chỉ ăn những quả cà phê ngon nhất, chín nhất, vì thế mùi vị cà phê thu hoạch được từ phân của chúng cũng chất lượng hơn hẳn.

Cà phê được chế biến tỉ mỉ, cẩn thận. Ảnh: Sea Island Coffee

Không giống như cà phê kopi luwak được tiêu hóa bởi cầy hương Indonesia, hạt cà phê di chuyển nhanh hơn qua hệ tiêu hóa của chim Jacu và không bị phân hủy bởi protein động vật hoặc axit dạ dày. Những quả cà phê sau đó được được rang lên, sau khi nghiền nát và pha thông thường, nó có hương vị độc đáo, mùi thơm hấp dẫn.

Cà phê từ phân chim Jacu hiện đang được bán với giá vào khoảng 1.700 USD (gần 40 triệu đồng) mỗi kg. Ảnh: Imperial Teas

Bang Espirito Santo của Brazil là nơi sản xuất cà phê thứ tư trên thế giới, nhưng trang trại Camocim là nơi duy nhất sử dụng phân jacu để sản xuất cà phê. Trong suốt một thập kỷ qua, đây được coi là một trong những loại cà phê đắt nhất thế giới và đặc biệt phổ biến ở các nước như Pháp, Nhật Bản và Anh, với giá bán vào khoảng 1.700 USD (gần 40 triệu đồng) mỗi kg. Loại cà phê này được thực khách săn lùng tìm mua.

Tổng hợp