'Cơm không có ăn, đói vêu mỏ, ngồi đó mà ao với ước'
Ca sĩ Ánh Tuyết sinh năm 1961 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật với bố đi dạy nhạc, các anh là nhạc công.
Từ bé, chị đã bộc lộ khiếu kinh doanh. Mỗi buổi chiều, chị mở một quầy hàng bán bánh kẹo, hoa quả, thuốc lá... và luôn tính toán sao để bán "lời một, lời hai", thậm chí bị mẹ nghi trộm tiền vì bán lãi to.
Thời Ánh Tuyết mới vào Sài Gòn, nhạc bolero và nhạc trẻ ngự trị. Trong khi các ca sĩ tranh nhau "sứt đầu mẻ trán" để hát, chị tìm một dòng nhạc không ai tranh giành để một mình theo đuổi.
Cách chị tạo dựng tên tuổi cũng không giống ai: luôn mặc áo dài trắng và hát thật cao. "Để người ta không nhớ Ánh Tuyết thì nhớ 'cái cô mặc áo dài trắng', 'cái cô giọng cao chót vót' chứ sao", chị giải thích.
Cái tên Ánh Tuyết nổi lên sau khi xuất hiện trong đêm nhạc riêng mà nhạc sĩ Văn Cao ngồi dự thính. Sau một đêm, báo chí đồng loạt viết về Ánh Tuyết như một hiện tượng âm nhạc.
Dù vậy, hành trình gầy dựng sự nghiệp của Ánh Tuyết không hề suôn sẻ. Chị vào đời với đôi tay trắng, không tiền lẫn tiếng, không người chống lưng mà cũng chẳng muốn dựa dẫm ai.
Tuổi ngoài 20, chị "nghèo hơn cả nghèo, làm như 'bán mạng' không chừa thứ gì" nên đầu óc hiếm khi thảnh thơi. Những lúc rảnh rỗi, chị thường nhìn những ngôi nhà cao tầng ở xa và mơ mộng.
Có lần, Ánh Tuyết nói với cô bạn ước có tiền mở phòng trà, mua nhà, mua xe liền bị mắng: "Cơm không có ăn, đói vêu mỏ, ngồi đó mà ao với ước".
Bị chê bai, chị không nói gì, chỉ âm thầm vùi đầu vào làm lụng kiếm tiền. Chị quan niệm không cần chứng tỏ hay dằn mặt ai nhưng muốn thách đố chính mình.
Trong Ánh Tuyết có 2 con người đối lập lẫn bổ trợ lẫn nhau: nghệ sĩ và doanh nhân. Chị thành lập công ty xây dựng, mở nhà hàng, quán cà phê... để nuôi giấc mơ nghệ thuật - phòng trà ATB.
Ánh Tuyết hát 'Đường xa vạn dặm'
Chị kinh doanh nhiều lĩnh vực chưa từng thua lỗ nhưng lại nợ đầm đìa, suýt phá sản vì nghệ thuật. Mở phòng trà ATB, ca sĩ chi 4 tỷ cải tạo để rồi thua lỗ khoảng 40 triệu/tháng, phải đóng cửa sau 5 năm cầm cự.
Theo Ánh Tuyết, chị thất bại vì "không thể kiếm tiền bằng cách vắt kiệt sức anh em nghệ sĩ, không muốn thu nhiều tiền của khán giả".
Sau phòng trà ATB, chị cũng thôi những giấc mơ lớn khác như mở sân khấu văn hóa - nghệ thuật kết hợp truyền thống và hiện đại.
Thường bị trêu 'diva tỷ phú'
Trừ phòng trà, kiểu kinh doanh đậm chất nghệ sĩ của Ánh Tuyết lại "ăn nên làm ra". Đầu thập niên 2000, chị bắt đầu mua đất dù không hề hiểu biết về bất động sản.
Nhiều lần, ca sĩ đọc báo thấy đất rẻ và ưng ý liền gọi điện thoại trả giá, có thể chốt ngay mà không cần đi xem. Sau này, chị mua nhà ở Pháp vẫn theo cách... dò định vị trên Google Map rồi chốt qua điện thoại.
"Vài chủ đất nói không tin nổi có người mua kiểu vậy. Anh tôi thường mắng: 'Con ni mua đất cứ như mua củ khoai'", chị kể.
Nhà vườn rộng 7.000m2 ở Củ Chi. Trước khi đi Mỹ, Ánh Tuyết giao cho anh trai thi công trên mảnh đất rộng 3.000m2 ven sông Sài Gòn nhưng ông nhầm sang khu đất này.
Cứ thế, Ánh Tuyết mua rồi lại bán đất từ TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu đến Hội An, thậm chí ở Pháp. Năm 2021, chị giật mình nhận ra không thể quản lý tất cả.
Đất ở Long Thành, Vũng Tàu... bị chị lãng quên hơn 10 năm. Những bất động sản ở TP.HCM, trong đó có khu nhà vườn rộng 7.000m2 nổi tiếng, xuống cấp ít nhiều.
"Có lẽ, tôi sẽ sớm bán hết mấy bất động sản ở Sài Gòn và xung quanh, một mình chẳng quản hết được. Tôi định chỉ giữ lại căn nhà ở Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) - căn nhà đầu tiên mình có", ca sĩ chia sẻ.
Phương châm của chị không thay đổi trong 20 năm qua: "Thích sẽ mua bằng được, vui thì bán rất tình cảm".
Tuổi 62, Ánh Tuyết sống vui với thú trồng trọt, chăn nuôi. Ở Hội An (Quảng Nam), chị có 4 mảnh vườn được chia rõ mục đích sử dụng: vườn ở phố Phan Chu Trinh trồng hoa, miếng đất sát sông Hoài trồng rau...
Thời gian đi lại, coi sóc 4 mảnh vườn gần hết 1 ngày. Ngoài ra, chị còn quản lý villa đang ở và ngôi nhà cổ nổi tiếng dùng làm nơi tiếp đãi bạn bè.
Những bất động sản này từng được Ánh Tuyết mua chỉ khoảng 1 tỷ đồng, hiện tại ngôi nhà cổ được định giá gần 100 tỷ, một mảnh vườn khoảng 60 - 70 tỷ.
Ở Pháp, gia đình nhà chồng Ánh Tuyết cũng có một khu vườn đẹp gần biên giới. Trước dịch, chị thường cùng chồng về thăm hằng năm, được ngôi nhà vườn này truyền cảm hứng để tạo nên vườn của riêng mình.
Ánh Tuyết có người giúp việc nhưng thích tự tay trang hoàng nhà cửa, chăm vườn. Chị chưa từng học thiết kế, chỉ học hỏi từ bạn bè và internet.
Ca sĩ đã lãng mạn, yêu thích hoa cỏ từ thời thanh xuân. Vườn ở TP.HCM hay Hội An đều có những loài hoa được mang từ Pháp về như hoa hồng leo, hoa dền...
Đến giờ nữ ca sĩ vẫn không nghĩ mình giàu có, luôn sống với tâm niệm "có ngồi trên đống vàng vẫn là Ánh Tuyết mọi người từng biết".
Vài lần trở lại TP.HCM hát bị đồng nghiệp trêu là "diva tỷ phú", "diva bất động sản", chị đều nghiêm giọng gạt đi.
Ánh Tuyết vẫn giản dị, bao dung và sống thiên về tình cảm. Mùa dịch, chị giảm một nửa giá thuê mặt bằng, thậm chí dứt khoát trả lại 1,3 tỷ đồng tiền cọc khi thấy người thuê không dám thanh lý hợp đồng. Hay chị từng cho người quen vay 4,5 tỷ đồng, sau lại không nỡ kiện cáo đòi tiền khi người đó sa cơ, vướng vòng lao lý.
Nhìn lại, Ánh Tuyết thấy từng khổ gần một đời người. Tuổi xế chiều, chị chưa viên mãn, vẫn thích làm việc, thỉnh thoảng hát ca và gặp gỡ bạn bè.
Lê Thị Mỹ Niệm