Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân vùng quê nghèo Thanh Hóa, ca sĩ Hồ Quang 8 đã trải qua những tháng ngày cơ cực. Mọi vất vả của cuộc sống đổ lên trên vai chàng ca sĩ trẻ tuổi lúc bấy giờ. Ít ai có thể tưởng tượng giọng ca vàng bolero đất Bắc từng nghèo tới nỗi không thể mua nổi một đôi dép để đi học. 

Lớn lên, Hồ Quang 8 thi đỗ vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa và Nhạc viện Hà Nội (Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam - PV). Anh cũng là một trong những học viên hiếm hoi có thể đỗ vào trường nghệ thuật chính quy lúc bấy giờ. 

Ca sĩ Hồ Quang 8.

Nam ca sĩ kể, cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình chỉ gói gọn trong 2 từ "gian truân". Theo đuổi dòng nhạc trữ tình vốn bị lu mờ bởi dòng nhạc cách mạng thời điểm đó, ca sĩ Hồ Quang 8 vô cùng gian nan khi tìm kiếm cơ hội được đứng trên sân khấu. 

Thủa mới vào nghề, chàng ca sĩ nghèo phải chịu đựng những ánh nhìn xem thường của bạn bè. Suốt thời gian dài không có show diễn vì dòng nhạc anh theo đuổi bị từ chối do không hợp với kịch bản chương trình.  

Nam ca sĩ kể, có hai kỷ niệm buồn mà tới tận bây giờ bản thân không thể nào quên. Đó là hai lần bị người ta nghi là "nghệ sĩ trộm đồ". 

Hồ Quang 8 kể, lần đầu bị nghi oan khoảng năm 1997-1998, thời mà ca sĩ chuyên đi hát và chạy nhạc phát ra từ chiếc máy đĩa cứng nhỏ gọi là MD.

"Vì quá khó khăn nên tôi đi xin nhạc một, hai bài thêm vào để hát. Tôi nhớ là xin phần beat bài Xe đạp ơi của một nam ca sĩ ngoài Hà Nội. Do tôi không có máy nên bắt buộc phải đi mượn thêm một máy để in sang đĩa.

Tôi đặt vấn đề với ca sĩ Đức Long, anh vui vẻ cho mượn, tôi lập tức tới nhà nam ca sĩ kia thu bài. Vì không biết thao tác nên tôi nằm trên võng chờ bạn ý copy nhạc. Thu xong tôi ra về, trả luôn cho anh Đức Long. Sau đó, anh Đức Long mang máy đi biểu diễn thì phát hiện máy đó không phải của mình hỏi tôi có đánh tráo không", Hồ Quang 8 kể lại.

Giọng ca vàng bolero đất Bắc bày tỏ, lúc đó rất ngây thơ liền điện thoại cho bạn ca sĩ kia xem có bị nhầm máy không nhưng nhận được lời khẳng định là "không nhầm". 

"Thời đó, chiếc máy ghi nhạc beat cực kỳ quý, mọi người thường bọc vào tấm vải nhung rất đẹp để bảo vệ. Cũng may anh Đức Long không hề nói gì, im lặng và bỏ qua. Đến giờ, không biết trong hai người ai có sự nhầm lẫn nhưng tôi hiểu, tài sản quý như thế, đặc điểm như thế nào, người dùng sẽ hiểu cặn kẽ nhất. Duy chỉ có điều, gần 30 năm trôi qua, tôi vẫn khẳng định mình không là 'kẻ đánh tráo', không hề làm việc xấu xa", Hồ Quang 8 chia sẻ trong nước mắt.

Lần thứ 2, cũng những năm đó, Hồ Quang 8 là ca sĩ hợp đồng của Nhà hát Thăng Long. Nhà hát đi diễn tỉnh, nghỉ ở nhà khách. Diễn xong, cả đoàn làm thủ tục trả phòng, nhà khách thông báo phòng của Hồ Quang 8 thiếu một cái máy sấy tóc.

"Thường 2, 3 người ở một phòng, 2 người kia có điều kiện, tôi nghèo xác xơ lại tỉnh lẻ nên tất cả con mắt dồn nghi vấn vào tôi là kẻ lấy cắp. Họ kiểm tra hành lý, tất nhiên tôi vẫn vui vẻ hợp tác. Kết quả không có máy sấy, những người còn lại trong đoàn không ai bị kiểm tra. Nhà hát sau đó bù tiền chiếc máy sấy", Hồ Quang 8 kể lại. 

Nam ca sĩ khóc khi kể lại câu chuyện này bởi ký ức nghèo khổ, yếu thế đến "cay đắng và ê chề".

Vượt qua bao gian truân, cay đắng, Hồ Quang 8 đã thành công, ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Lần khác, Hồ Quang 8 sang Trung Quốc biểu diễn, khách sạn lại mất một cái khăn. Cũng có lời ra tiếng vào Hồ Quang 8 "chôm" đồ. Thế nhưng, khi kiểm tra hành lý, anh được minh oan. 

Nam ca sĩ bảo, những chuyện mình kể đều rất thật, có lẽ đó là khoảng thời gian nghèo túng nhất và tủi hờn khi theo đuổi nghiệp cầm ca. 

Quyết định kể câu chuyện này, Hồ Quang 8 cho rằng, con người có rất nhiều giai đoạn trong cuộc đời. Nhưng bước được qua những cay đắng và khổ hạnh, chắc chắn sẽ hái được trái thơm.

'Chiều mưa biên giới' - Hồ Quang 8, Yến Ngọc: