Giới chuyên môn cho rằng các biến thể sẽ còn xuất hiện khi virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch vẫn tiếp tục lây nhiễm cho mọi người. Nhưng điều đó không đồng nghĩa các biến thể mới sẽ phát triển thường xuyên hoặc nguy hiểm hơn.
Ảnh minh họa: Smith
Hiện tại mới có 36,9% dân số thế giới tiêm đủ 2 mũi vắc xin và một lượng lớn người dân ở các nước nghèo chưa được nhận bất kỳ mũi tiêm nào. Do đó, virus SARS-CoV-2 vẫn tìm thấy đối tượng để tấn công và nhân bản bên trong cơ thể người bệnh vài tháng hoặc vài năm tới.
Mỗi khi virus tạo ra một bản sao, một đột biến nhỏ có thể xảy ra. Những thay đổi đó giúp virus tồn tại và trở thành biến thể mới.
Nhưng điều này không có nghĩa virus SARS-CoV-2 sẽ phát triển giống như giai đoạn đầu vào cuối năm 2019.
Andrew Read, chuyên gia về virus tại Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), cho biết, khi lây nhiễm sang một loài mới, virus cần phải thích nghi với vật chủ mới để lan truyền rộng rãi hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể Delta có khả năng lây lan cao gấp đôi so với các phiên bản trước của virus. Tiến sĩ Adam Lauring, chuyên gia về virus và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Michigan, cho biết, mặc dù virus SARS-CoV-2 vẫn có thể biến đổi để dễ lây nhiễm hơn, nhưng có lẽ tốc độ lan truyền sẽ không tăng gấp đôi lần nữa.
“Chúng tôi đã thấy một giai đoạn tiến hóa nhanh chóng của virus và gây ra những tác hại nhất định. Nhưng virus không làm được tất cả mọi thứ”, Tiến sĩ Lauring nói.
Biến thể virus SARS-CoV-2 có thể gây chết người cao hơn, nhưng không có xu hướng tiến hóa như vậy.
Các chuyên gia đang theo dõi liệu các biến thể mới nổi có thể vượt qua miễn dịch có được từ vắc xin và việc từng nhiễm Covid-19 trước đó hay không.
Tiến sĩ Joshua Schiffer, chuyên gia về virus tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, nhận định, khi có nhiều người tiêm phòng hơn, virus có khả năng lây lan qua những người có miễn dịch để tồn tại.
Ông Schiffer giải thích: “Virus có thể mang một đột biến làm cho phản ứng miễn dịch kém hiệu quả hơn”.
Nếu điều đó xảy ra, các nhà khoa học khuyến nghị nên cập nhật công thức vắc xin Covid-19 định kỳ, giống như việc tiêm phòng cúm hàng năm.
An Yên (Theo AP)
Yếu tố khiến người đã tiêm vắc xin vẫn có thể nhiễm Covid-19
Các biến thể mới, hệ miễn dịch suy giảm và nghiện rượu, chất kích thích… dễ khiến người đã tiêm vắc xin mắc Covid-19.