Làm sách cho trẻ em không hề dễ

1705 tac gia thuy nguyen.jpg
Tác giả Thủy Nguyên có nhiều cuốn sách thú vị dành cho thiếu nhi.

- Tại sao chị lại chọn thiếu nhi là đối tượng hướng đến khi viết sách?

Khi làm mẹ của cô con gái nhỏ, những giờ đọc sách cùng con luôn thôi thúc tôi muốn viết gì đó cho con mình và các bạn nhỏ. Đến khi mở sân chơi CLB Truyền thông - MC nhí, một sân chơi kỹ năng ngoại khóa cho trẻ em, mong muốn viết và đồng hành cùng các bé của tôi lại càng thêm có động lực mạnh mẽ.

Cùng với những kiến thức về văn học và văn hóa được học, tôi muốn được viết gì đó vận dụng kiến thức đưa vào trang sách, bồi dưỡng văn hóa và văn học dân gian cho trẻ. Thật may mắn khi có dịp được trao đổi, chia sẻ cùng NXB Kim Đồng. Chính vì vậy, năm 2017 là năm tôi bắt tay vào viết cuốn sách đầu tiên, thực hiện ước mơ viết cho trẻ.

Thiện và ác và cổ tích ra đời 1 năm sau đó dưới bàn tay của mẹ đỡ là NXB Kim Đồng. Từ đó, những sáng tác tiếp theo cho trẻ cũng lần lượt ra đời. 

 - Cuốn 'Thiện và ác và cổ tích' là một kiểu sách truyện nghệ thuật đã mới mẻ từ thời điểm nó xuất hiện, hiện tại, chị thấy chúng ta cần đẩy mạnh những hình thức như vậy thêm theo hướng như thế nào nữa để dễ tiếp cận hơn với các bạn nhỏ?

Thiện và ác và cổ tích là một cuốn sách tranh theo dạng Artbook. Hiện nay dòng sách tranh cho trẻ cũng đang phát triển khá mạnh và được đông đảo phụ huynh cũng như các bé yêu thích lựa chọn.

Không chỉ nội dung đa dạng cuốn hút, sách tranh hiện cũng được đầu tư chăm chút rất nhiều về mặt hình ảnh, tranh vẽ. Nhiều bộ có phần tranh rất đẹp. Theo tôi nếu nội dung cuốn hút, cốt truyện hấp dẫn và gửi gắm được nhiều thông điệp bổ ích, phù hợp tâm lý trẻ nhỏ cộng thêm phần tranh minh họa đẹp, ấn tượng thì sách tranh vẫn là mảnh đất màu mỡ hấp dẫn các độc giả nhí. 

img 2395.jpg
Tác giả Thủy Nguyên không có nguyên tắc nào gò ép mình khi sáng tác.

- Chọn cách tư duy mới mẻ, sáng tạo có phải nguyên tắc khi sáng tác của chị?

Tôi không có nguyên tắc nào bắt buộc gò ép mình khi sáng tác cả. Có những sáng tác tôi viết thuần theo cảm xúc dẫn dắt mình. Lại có những sáng tác tôi để mình được dẫn lối bởi kiến thức. Ví như cuốn Sẻ Nâu mơ thành Đại Bàng, tôi viết thuần theo cảm xúc. Nhưng với riêng bộ sách Câu chuyện dòng sông, tôi lại đòi hỏi mình phải nghiêm túc lồng ghép kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa vào trong trang sách.

Dù viết thế nào, tôi nghĩ yêu cầu mình đặt ra cao nhất cho chính mình đó là làm việc một cách nghiêm túc, chỉn chu nhất có thể. Tôi đặt tâm thế mình vào đứa trẻ và trả lời câu hỏi: Làm thế nào để hấp dẫn trẻ? Và tôi cũng đặt mình vào vị thế phụ huynh để trả lời câu hỏi: Nếu là tôi, tôi sẽ lựa chọn cuốn sách như thế nào cho con mình? Việc đổi mới tư duy và sáng tạo cũng được đặt ra bởi nó rất quan trọng khi viết cho trẻ em.

- Có một số người nhận xét viết cho trẻ con dễ hơn so với người lớn, chị nghĩ sao về quan điểm này?

Theo tôi, làm sách cho trẻ em không dễ. Làm sách phải sáng tạo, làm sách cho trẻ em lại càng đòi hỏi sáng tạo nhiều hơn. Từ cách tiếp cận, nhập vai, dẫn dắt đến cả thông điệp gửi gắm cũng là quá trình đòi hỏi khắt khe dành cho người viết.

Giữa thị trường viết sách cho trẻ em rất nhiều hiện nay, làm thế nào để luôn đổi mới, sáng tạo và hấp dẫn trẻ là một câu hỏi khó. Với những cuốn sách muốn lồng ghép kiến thức, khi đặt bút viết tôi luôn đối diện với việc làm sao để không gây nhàm chán cho trẻ, làm sao để dễ tiếp cận và lôi cuốn trẻ, giúp trẻ nhớ lâu. Những điều này thực sự là những câu hỏi khó.

-  Hiện tại có rất nhiều sách, truyện theo hình thức Artbook bắt mắt, kích thích tư duy trẻ. Chị nghĩ điểm tích cực và hạn chế của những loại sách truyện này là gì?

Sách Artbook có ưu điểm là được đầu tư khá cân xứng về cả nội dung và hình thức trình bày. Phần nội dung sẽ phải cô đọng, chắt lọc để cân đối với phần tranh vẽ nên từng câu chữ được người viết chọn lọc cẩn thận.

Phần tranh minh họa thường là điểm nhấn bắt mắt và thu hút, kích thích tư duy trẻ. Các Artbook được đầu tư thường có khổ tranh rộng, cuốn sách vì vậy thêm phần bề thế, công phu. Khi cầm cuốn sách trên tay, sự hấp dẫn của nội dung cùng tranh minh họa khiến không chỉ trẻ em, cả người lớn cũng thích thú. Đó chính là những điểm làm nên sự hấp dẫn của sách tranh.

Tuy vậy, vì Artbook được đầu tư khá nhiều cho cả phần tranh vẽ minh họa và thường là in màu nên chi phí nhiều, giá thành sách cũng cao hơn so với các sách khác. Đây chính là điểm hạn chế khiến artbook dù rất hay và hấp dẫn, bắt mắt nhưng cũng khó phổ biến đến người dùng như những sách khác. Khổ sách lớn cũng là một hạn chế khi mang theo và đọc cho trẻ. 

337147830 952717362750021 284898118788725653 n.jpg
Tác giả Thủy Nguyên luôn hào hứng trong những buổi giao lưu cùng trẻ nhỏ.

Muốn trẻ nhỏ hiểu và yêu văn hóa nước mình

- Nếu theo dõi sẽ thấy chị không chỉ viết sách mà còn có cả một câu lạc bộ MC nhí dành cho các em nhỏ, mục tiêu chị hướng tới với câu lạc bộ này là gì?

CLB Truyền thông – MC nhí là sân chơi được thành lập vào năm 2017 cũng bắt đầu từ việc muốn con trẻ có sân chơi kỹ năng bên cạnh việc học. Các hoạt động của CLB nhằm hướng trẻ tới việc biết rèn cho mình những kỹ năng ngoại khóa như làm việc nhóm, trình bày lưu loát, nói năng tự tin, diễn đạt rõ ràng điều mình muốn…

CLB cũng hay có những chuyên đề thiện nguyện cho các con được tự mình tham gia các vai trò: bán sách gây quỹ, gom đồ chơi, quần áo… đi thăm các em nhỏ có hoàn cảnh kém may, những mảnh đời còn nhiều bất hạnh. Những chuyến đi như vậy là dịp để các con bồi đắp thêm tình yêu thương, sự chia sẻ và đồng cảm.

Ngoài ra, sân chơi cố định hàng tuần, tôi cũng muốn các con hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của nhiều địa danh, vùng đất nên thường tổ chức những buổi dã ngoại nghe về lịch sử, xem rối nước, tìm hiểu địa danh Sài Gòn… Thông qua những chuyến đi ấy, trẻ sẽ vừa chơi vừa học. Nhiều bé và phụ huynh phản hồi rất thích những buổi như vậy. Thay vì chỉ nghe trên lớp, giờ trẻ được học trực quan sinh động và nghe cô kể chuyện, được quan sát, được tận mắt thấy và cảm nhận.

Mong muốn các con yêu lịch sử nước mình, yêu văn hóa đất nước mình, yêu nơi mình sống và biết san sẻ, biết yêu thương. Đó là điều tôi muốn CLB mình hướng tới trẻ. 

336865741 1296665364222542 788408046900763117 n.jpg
Nữ tác giả trẻ có nhiều mong muốn, trăn trở với các bé thiếu nhi.

- Từ việc tiếp cận, học với chơi với trẻ nhỏ mỗi ngày, chị thấy việc hiểu tâm lý, kích thích sáng tạo cho các bé quan trọng như thế nào khi dạy con?

Tôi may mắn được làm việc, chơi với trẻ nhiều nên phần nào hiểu tâm lý trẻ. Thế giới trẻ thơ là một khu vườn đầy hương thơm, màu sắc mà khi mở được cánh cửa, dạo chơi trong khu vườn ấy chúng ta sẽ thấy đáng yêu vô cùng. Người lớn nhiều khi không đủ kiên nhẫn, đủ lắng nghe để cùng trẻ tha thẩn trong khu vườn ấy. Những tâm tư của trẻ con cũng rất đáng yêu.

Có lần tôi đọc sách cho trẻ có nhắc tới áp lực. Tôi liền hỏi bọn trẻ rằng con có những áp lực gì? Và thế là chúng tha hồ kể tôi nghe: con sợ ma, con sợ chơi game thua, con sợ ăn chậm bị mẹ la… Những tâm tư đơn giản, đáng yêu vô cùng nhưng cha mẹ ở nhà nhiều khi không hiểu được. Nếu chúng ta không kiên nhẫn nghe, không hòa mình chơi với trẻ, chúng ta sẽ mang tâm lý người lớn đánh giá trẻ, áp đặt trẻ.

Chơi với trẻ con khó nhưng thực ra cũng giản đơn vô cùng. Trẻ chỉ cần người lắng nghe, chơi cùng chúng và bày những trò vui để cùng nhau phá lên cười. Sự gần gũi, hiểu tâm lý trẻ sẽ giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc dạy trẻ, khơi gợi sự sáng tạo nơi trẻ, được trẻ yêu thương, tin tưởng. 

- Điều đó được chị áp dụng với chính các bé nhà mình như thế nào?

Tôi có 2 cô con gái. Suốt hành trình khôn lớn của con là sự đồng hành không thể thiếu của mẹ. Sân chơi CLB và việc viết sách của tôi bắt đầu từ những ngày con gái đầu còn chỉ là cô bé 4, 5 tuổi cho đến bây giờ, khi con đã sang tuổi 11. Tôi còn nhớ mình đã không bỏ lỡ một tối nào đọc sách cùng con, hẹn hò cùng nhau và nghe những câu chuyện con kể.

Cho đến 7 năm sau, khi con gái thứ 2 chào đời, tôi vẫn là bà mẹ theo sát con trên từng chặng đường, cần mẫn lắng nghe. Cuối tuần, 2 con tôi cùng các bạn tham gia các chuyến đi của CLB. Tôi mang con theo trên mọi mặt trận để mẹ con cùng nhau đồng hành.

Con gái út hiện đã 4 tuổi nhưng con đã có không biết bao nhiêu chuyến đi cùng các anh chị. Con thích nghe kể chuyện, yêu đọc sách và cũng rất thích đi. Tôi cũng như nhiều bà mẹ khác, đồng hành bên con và dạy con bằng tất cả tình yêu của mình. Tôi không kỳ vọng, chỉ mong muốn con lớn lên khỏe mạnh, hồn nhiên đúng lứa tuổi, biết yêu thương và luôn vui vẻ. 

Nhiều cha mẹ lạm dụng việc để trẻ xem các thiết bị công nghệ

395359337 7503979436282822 8775125306943980230 n.jpg
Chị mong muốn trẻ nhỏ có nhiều trải nghiệm thực tế, yêu và hiểu lịch sử, văn hóa đất nước.

- Trẻ bây giờ khá nhạy cảm, suy nghĩ nhiều, bị ảnh hưởng nhiều từ công nghệ, ít quan tâm đến việc đọc. Theo chị, bậc phụ huynh cần làm gì để kích thích niềm yêu thích đọc sách cho con em?

Muốn con trẻ yêu đọc sách, điều này không phải do trẻ mà do cha mẹ. Ngay từ nhỏ, nếu cha mẹ rèn được thói quen đọc sách cho trẻ, sau này trẻ sẽ tự giác hơn rất nhiều. Việc rèn trẻ đọc cũng là cả quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhập thân đóng vai và lôi cuốn trẻ.

Nhiều cha mẹ lạm dụng việc để trẻ xem các thiết bị công nghệ khiến trẻ mắc rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, lớn hơn chút nghiện các thiết bị công nghệ, không thích đọc sách. Cha mẹ cần quy định thời gian xem các thiết bị điện tử và thời gian dành cho việc đọc.

Với trẻ nhỏ, sách tranh vẫn luôn hấp dẫn, cha mẹ có thể đồng hành đọc cùng con, tăng dần thời gian. Cuối tuần, cha mẹ có thể dẫn con đi nhà sách, trung tâm sách để tăng tình yêu cho trẻ với sách. 

- Có trường hợp hay câu chuyện nào về các em nhỏ khiến chị nhớ nhất hay suy nghĩ về nhiều nhất khi làm công việc, tiếp xúc với các bé thường xuyên như vậy?

Có rất nhiều kỷ niệm vui khi làm việc và trò chuyện cùng trẻ, trong đó không ít lần khiến tôi suy nghĩ. Trong một dịp trò chuyện cùng học sinh một trường tiểu học quốc tế về chủ đề đọc sách. Khi tôi chơi trò chơi và hỏi các em về những câu chuyện cổ tích thiếu nhi của Việt Nam, hầu như các bé đều không trả lời được. Các câu hỏi đơn giản về truyện cổ tích Tấm Cám, Thạch Sanh - Lý Thông, Ăn khế trả vàng… nhiều em không biết.

Các con kể mình thường được cha mẹ cho đọc sách tiếng Anh và chỉ biết những câu chuyện về Cinderella, Rapunzel công chúa tóc mây… Thực sự cũng biết rằng các bé trường quốc tế sẽ ưu tiên đọc sách tiếng Anh nhưng tôi vẫn rất mong thế giới cổ tích Việt Nam sẽ không bị trẻ em quên lãng với những cô Tấm, anh Khoai, Thạch Sanh, Lý Thông…