Tại phiên họp lần thứ hai của Tổ Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện được tổ chức vào ngày 19/11, ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Tổ Phó Tổ thường trực, đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến hết năm 2023.

Ông Tú cho biết, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan đã sớm xây dựng, ban hành kế hoạch hành động để tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược. Đến cuối năm 2023, có 11/12 cơ quan và 63/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược.

Theo báo cáo, hệ thống mạng lưới tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tiếp tục được rà soát, sắp xếp lại và phát triển hợp lý hơn, hướng tới những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các sản phẩm, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch, chất lượng dịch vụ thanh toán không ngừng được cải thiện. 

ngan hang nam khanh 6.jpg
Các chỉ tiêu theo Chiến lược tài chính toàn diện có thể hoàn thành năm 2025

Đáng chú ý, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân trong năm 2023 đạt 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với năm 2022; thanh toán qua thẻ, Internet, điện thoại di động cũng tăng tương ứng 11,6%, 54,77%, 59,86% về số lượng và 17,72%, 6,50%, 12,73% về giá trị giao dịch; thanh toán bằng QR Code đã được các ngân hàng triển khai mạnh mẽ với sơ lượng đạt 262,87 triệu giao dịch và 191,93 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động hợp tác quốc tế cũng tích cực được triển khai. Với vai trò đầu mối tham gia làm thành viên nhóm công tác ASEAN về tài chính toàn diện, Vụ Hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước) đã phối hợp với các thành viên tích cực triển khai các sáng kiến/hoạt động thúc đẩy tài chính toàn diện tại khu vực, như: xây dựng các tài liệu hướng dẫn thực hiện để tăng cường hiểu biết tài chính số, hỗ trợ sáng kiến kết nối thanh toán khu vực ASEAN; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế (WB, VISA…); đẩy mạnh hợp tác song phương: Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với cơ quan quản lý tiền tệ/ngân hàng một số quốc gia triển khai kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR như Thái Lan (2022), Capuchia (2023).

Với các kết quả đạt được, ông Tú khẳng định đa số chỉ tiêu của Chiến lược đều được cải thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025, như: tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; dư nợ tín dụng phục vụ và phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế; tỷ lệ người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.