Trong thời gian vừa qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã phát huy vai trò, vị thế của mình để đóng góp vào công tác ngoại giao kinh tế giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, kịp thời hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm trong nước.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về tình hình ngoại giao kinh tế năm 2023 tổ chức tại Trụ sở Chính phủ chiều 9/3, đại diện các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, các đại sứ đã đóng góp nhiều ý kiến cũng như các giải pháp để thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết, việc Trung Quốc phục hồi kinh tế trong năm 2023 sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng và tiêu dùng toàn cầu. Đối với Việt Nam, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc năm 2023 đã tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương của hai nước, từng bước khôi phục giao lưu nhân dân.

Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, về du lịch, dự báo lượng khách du lịch của Trung Quốc ra nước ngoài trong năm nay chỉ đạt 40% của năm 2019, hết 2025 mới có thể khôi phục lại. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự thúc đẩy tích cực của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc, cuối tháng 2 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc là đưa Việt Nam vào danh sách các nước triển khai du lịch theo đoàn vào thời gian tới. Đến nay Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thí điểm tổ chức du lịch theo đoàn tới Việt Nam.

"Do vậy, các cơ quan hữu quan và địa phương của Việt Nam cần tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng phục vụ du khách, tạo điều kiện hơn nữa cho khách du lịch Trung Quốc", Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh.

W-trungquoc.png
Khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai.

Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng, việc Trung Quốc mở rộng nhu cầu tiêu dùng nội địa, chú trọng bảo đảm an ninh thực phẩm, gỡ bỏ rào cản về kiểm dịch COVID, hàng nhập khẩu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ lớn có uy tín của Trung Quốc; vận động Trung Quốc mở rộng cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản như bơ, dừa…

Về đầu tư, Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng, cần tích cực thu hút đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản, lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành địa phương để xử lý những vướng mắc trong hợp tác giữa hai bên, như tạo thuận lợi cho đẩy mạnh hợp tác thương mại hàng hóa và thủ tục đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu.

Phạm Lương Bằng, Đào Thị Lý, Nguyễn Hoàng Hà