Cơ hội gọi vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hàng không đang trở nên rõ nét hơn sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển giao thông - vận tải hàng không giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030. Điều này mở cánh cửa lớn cho tư nhân đầu tư vào các cảng hàng không. Ngay lập tức, nhiều đại gia đang xếp hàng chờ “rót” vốn vào sân bay.

Đại gia chen chân dòm ngó

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hiện có ít nhất 5 dự án hạ tầng cảng hàng không có vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân được triển khai. Trong đó có thể kể đến cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Cảng hàng không quốc tế Phan Thiết và Nhà để xe, Ga quốc nội, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Gần đây nhất Tập đoàn FLC vừa gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhà ga T3 ở phía Nam với công suất 20 triệu khách mỗi năm để nâng công suất toàn cảng lên 50 triệu khách mỗi năm.

Đây là đề xuất xây dựng ga hàng không lần thứ 2 trong thời gian ngắn của doanh nghiệp này, bởi trước đó FLC cũng đã đề xuất xin đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới, Quảng Bình theo hình thức PPP.

{keywords}
Sân bay Vân Đồn là một trong những trường hợp thành công trong việc tư nhân hóa đầu tư hạ tầng hàng không. Ảnh: Hoàng Hà.

Nếu như FLC hoạt động tích cực thời gian gần đây thì Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) được xem như là đơn vị tư nhân đi tiên phong trong phong trào đầu tư hạ tầng hàng không. Tháng 7/2018, đã đưa vào hoạt động nhà ga hành khách quốc tế tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh với vốn đầu tư 3.735 tỷ đồng, công suất khai thác giai đoạn 1 là 2,5 - 4,5 triệu hành khách/năm sẽ nâng lên 6 - 8 triệu hành khách trong giai đoạn 2.

Cùng với nhà ga sân bay Cam Ranh, IPP đã đề xuất thực hiện 2 dự án tại sân bay Phú Quốc và Tuy Hòa. Trong đó, tại sân bay Phú Quốc, IPP xây dựng thêm đường băng thứ hai và nhà ga hành khách công suất 10 triệu lượt hành khách/năm với tổng giá trị đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Nhà ga hành khách mới tại Cảng Hàng không Tuy Hòa (Phú Yên) có công suất 8 triệu lượt hành khách/năm.

Cũng phải nhắc đến Tập đoàn Sun Group khi đầu tư thành công dự án BOT sân bay đầu tiên tại khu vực phía Bắc là sân bay Vân Đồn. Đây là một bài học thành công về “tư nhân hóa” sân bay. Sau bước khởi động đó, dự án xây dựng Dự án Cảng hàng không Lào Cai theo hình thức PPP cũng đang được tập đoàn này quan tâm.

Không chỉ riêng nhà đầu tư ngoài ngành muốn xây dựng sân bay, các hãng hàng không cũng muốn có sân bay, nhà ga riêng để tạo thêm điểm đỗ và sửa chữa. Đơn cử như năm 2015, Vietnam Airlines từng ngỏ ý được mua nhà ga T1, Nội Bài.

Còn với Vietjet, khát khao được đầu tư sân bay thể hiện rõ nét khi năm 2015, hãng này xin Bộ GTVT đầu tư nhà ga T1, Nội Bài. Đến tháng tháng 3/2017, Vietjet gửi tới Bộ GTVT đề xuất được xây dựng, cấp sân bay Chu Lai (Quảng Nam). Tháng 1/2018, hãng này lại đề xuất Bộ GTVT cho phép đầu tư sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên 2018, Vietjet tiếp tục đề xuất UBND tỉnh Phú Yên được đầu tư 4.000 tỷ đồng, để nâng cấp sân bay Tuy Hoà.

Theo lãnh đạo Vietjet, nhu cầu đầu tư sân bay là cấp thiết để tạo thêm điểm đỗ vì hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, nhiều máy bay Vietjet đang phải thuê đỗ qua đêm tại sân bay Cần Thơ, Cam Ranh. Điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch khai thác, kinh doanh của hãng.

Miếng bánh đắt đỏ nhưng hấp dẫn

Đầu tư vào hạ tầng sân bay cần nguồn tài chính lớn, mỗi công trình lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư. Mức độ tốn kém của việc đầu tư này có thể nhận thấy qua các kế hoạch đầu tư của ACV trong năm qua với tổng mức đầu tư lên đến gần 30.000 tỷ đồng, mà hầu hết nâng cấp và mở rộng nhà ga các sân bay trải dài cả nước.

Chẳng hạn, dự án đầu tư mới nhà ga hành khách T3 (Tân Sơn Nhất), với công suất thiết kế 15 triệu hành khách/năm, có tổng mức đầu tư lên đến 9.800 tỷ đồng; nhà ga Cảng hàng không Phú Bài với suất đầu tư là 2.900 tỷ đồng; nhà ga Cảng hàng không Cát Bi là 2.900 tỷ đồng, nhà ga Cảng hàng không Chu Lai 2.850 tỷ đồng…

Với tổng số tiền đầu tư rất lớn, việc thu xếp nguồn vốn không hề đơn giản. Tuy nhiên suất đầu tư như vậy không làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân.

{keywords}
Suất đầu tư lớn nhưng tỷ lệ hoàn vốn được đánh giá khả qua khi ngành hàng không Việt Nam tăng trưởng nhanh. Ảnh: Hoàng Hà 

Bệ đỡ nằm ở sự tăng trưởng trong tương lai vì theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), số lượt khách di chuyển bằng máy bay trên thế giới trong vòng 20 năm tới sẽ đạt 7,2 tỷ, tăng gần gấp 2 lần so với mức 3,8 tỷ lượt trong năm 2016. Trong đó, Việt Nam là một trong 5 thị trường có số lượt khách tăng trưởng nhanh nhất, bên cạnh Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Indonesia. Sức hấp dẫn của ngành còn đến từ sự tăng trưởng lợi nhuận.

Thực tế hơn các nhà đầu tư này đều tham khảo về tốc độ tăng trưởng của ACV trong thời gian qua đã cho thấy được sự khả quan. Lợi nhuận tăng trưởng liên tục hàng năm , từ 1.700 tỷ đồng năm 2015 lên hơn 4.000 tỷ đồng năm 2017. ACV quản lý 22 cảng hàng không nên thị trường hàng không càng bùng nổ, công ty càng hưởng lợi.

Theo TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhu cầu đầu tư hạ tầng sân bay của Việt Nam đang bùng nổ, trong khi nguồn vốn ODA giảm, ngân sách gặp khó khăn thì cấu trúc vốn đầu tư phát triển hạ tầng phải thay đổi, chuyển dịch từ Nhà nước sang tư nhân. Đồng thời cũng có thêm nhiều hình thức đầu tư để đảm bảo được nguồn vốn.

Hiện tại, đã nhìn thấy sự kết hợp giữa nguồn lực Nhà nước và tư nhân để giúp các dự án triển khai nhanh và đảm bảo được sự an toàn trong dòng vốn đầu tư.

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là một ví dụ. IPP đã thành lập Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) - liên doanh giữa ACV, IPP, Công ty Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yên Khánh, Công ty Việt Xuân Mới, Công ty Giao nhận hàng hóa Nasco và Vietjet. Vị trí điều hành được giao cho ACV.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT IPP, cho biết vì các bên cùng góp vốn nên mọi thứ quyết định nhanh, dễ dàng điều chỉnh chất lượng giám sát. Có vốn tư nhân nên Nhà nước nhanh chóng có hạ tầng phục vụ hàng không, lại tiết kiệm được ngân sách.

Giới phân tích kinh tế lạc quan trong việc thu hút được nguồn lực tư nhân đầu tư hạ tầng sân bay vì thu hồi vốn nhanh đến từ phí dịch vụ hàng không phục vụ mặt đất, quầy ẩm thực, cửa hàng miễn thuế.

(Theo Zing)