Nghĩa trang không đơn thuần là nơi chôn cất

Với định hướng nghĩa trang không đơn thuần là nơi chôn cất người mất, việc thu gom và quy hoạch lại các nghĩa trang cũ trong quá trình lấy đất phục vụ các dự án hạ tầng, các dự án phúc lợi xã hội đang được triển khai đồng bộ. Thay đổi nơi an nghỉ cho người mất, thân nhân của các gia đình có mộ phần đã chấp nhận hy sinh nhường đất phục vụ lợi ích xã hội nên họ cũng muốn nơi ở mới của người thân họ phải thực sự khang trang. 

Chính vì vậy, các công viên nghĩa trang tập trung đang được hình thành ở nhiều nơi theo tiêu chí này, thậm chí nghĩa trang trở thành các điểm kết hợp du lịch văn hóa tâm linh. Công viên nghĩa trang phải là nơi an nghỉ vĩnh hằng, là những khu tâm linh hoặc các công viên tâm linh, theo đó địa thế được chọn, quy mô nghĩa trang, hình thức chôn cất cho tới cảnh quan tự nhiên của các nghĩa trang tập trung đang được các địa phương kết hợp với doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BT nên ngày càng được người dân tin tưởng. 

22 nghia trang phi liet.jpg
Nghĩa trang Phi Liệt hiện hữu với diện tích khoảng 10ha sẽ được bổ sung thêm khoảng 32ha với mô hình công viên nghĩa trang. 

Mới đây nhất là Dự án Công viên nghĩa trang Phi Liệt đặt tại huyện Thủy Nguyên của TP Hải Phòng, với diện tích khoảng 32ha, tổng đầu tư gần 800 tỷ đồng. Theo UBND TP Hải Phòng, Công viên nghĩa trang Phi Liệt sẽ có hạ tầng hiện đại, bảo đảm môi trường và cảnh quan văn minh như: Bãi đỗ xe rộng 2.700m2, hồ thu nước hơn 9.000m2, kè tường toàn bộ xung quanh nghĩa trang bằng đá hộc (do nằm trên những quả đồi bên cạnh khu nghĩa trang cũ), được trồng nhiều loại cây xanh (như chuỗi ngọc, phi lao, tùng tháp, hoa giấy, mẫu đơn, cỏ lá gừng...) để tạo thành công viên.

Cải tạo, di dời các nghĩa trang cũ là yêu cầu bắt buộc

Theo UBND TP Hải Phòng, số hố chôn của Công viên nghĩa trang Phi Liệt đủ dùng cho toàn bộ cư dân TP.Hải Phòng trong vài chục năm tới. Được biết, khu cũ của Nghĩa trang Phi Liệt (xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên) – nằm cạnh dự án mới - cũng đã có diện tích tới cả trăm ngàn m2, nằm trên dải triền đồi nhìn xuống sông Đá Bạc và sông Giá. Như vậy, khu Nghĩa trang Phi Liệt sẽ là nghĩa trang tập trung lớn nhất và quy mô nhất của TP Hải Phòng cũng như các tỉnh phía Bắc.

Không chỉ Hải Phòng, nhiều địa phương trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính (đa phần là sáp nhập) hoặc mở rộng lõi các đô thị cũng rất chú ý quy hoạch lại hệ thống nghĩa trang nhân dân, những nghĩa trang nằm rải rác trong khu dân cư để hình thành nên các công viên nghĩa trang tập trung quy mô lớn. Những địa phương đang đẩy mạnh hoạt động này như Thanh Hóa, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên...

Có một câu hỏi đặt ra là, vì sao các địa phương đang chú trọng xây dựng các khu nghĩa trang tập trung/ công viên vĩnh hằng ngoài lí do cần thu hồi đất cho các dự án/ khu công nghiệp? Theo chuyên gia môi trường Đỗ Huy Ánh: "Nếu bạn nào đam mê vấn đề quy hoạch, chỉ cần nhìn vào bản đồ vệ tinh của một đô thị hay khu vực nào đó rồi đánh chữ nghĩa trang sẽ thấy, rất nhiều nghĩa trang nhân dân đang nằm lọt thỏm trong khu dân cư mới (do quá trình đô thị hóa xâm lấn) hoặc các khu công nghiệp tập trung (khu công nghiệp lấy đất nông nghiệp nên bao trọn các nghĩa trang chưa được di dời vốn nằm rải rác tại các cánh đồng-NV)".

“Nhà đầu tư cần đất sạch cho sản xuất, nhà nước cần đất sạch để thu hút đầu tư hoặc xây dựng các công trình công cộng hay phúc lợi xã hội, người dân cần các khu chôn cất tập trung sạch sẽ, “vĩnh hằng” đúng nghĩa thay vì phải liên tục di dời hoặc chịu cảnh mộ phần – nơi người mất an nghỉ - chịu cảnh ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt hay công nghiệp bủa vây. Chính vì vậy, khi các địa phương có các dự án Công viên vĩnh hằng, công viên nghĩa trang tập trung với chính sách ưu đãi, khuyến khích người dân di dời mộ phần để nhường đất thì đa số được nhân dân đồng thuận, ủng hộ”, ông Ánh nói.

Cũng theo ông Ánh, chủ trương (di dời các khu nghĩ trang nhỏ lẻ về quy hoạch tập trung) đúng đắn là thế nhưng không phải địa phương nào cũng có thể triển khai do vướng: quy hoạch, thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí, thiếu chính sách hỗ trợ người dân và đặc biệt là khâu truyền thông chưa tốt khiến nhiều người, nhất là các dòng tộc có mộ tổ lâu đời rất khó chấp nhận. Bởi họ lo ngại ảnh hưởng tới long mạch, phong thủy, các vấn đề tâm linh phát sinh khi di dời mồ mả của tổ tiên. “Nhưng về lâu dài, việc cải tạo, di dời các nghĩa trang cũ ra xa khu đô thị, xa khu dân cư là yêu cầu bắt buộc”, ông Ánh kết luận.

Mỹ Hoà và nhóm PV, BTV