Chiều 20/8/2020 gần 200 lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam quy tụ tại chuỗi Diễn đàn “Từ sống sót đến thịnh vượng” với chủ đề "Vững vàng vượt qua khủng hoảng" do FPT tổ chức để cùng nhau bàn về con đường sống sót trong bối cảnh Covid-19 ngày càng tác động mạnh mẽ, dai dẳng và khó lường lên nền kinh tế của quốc gia.
Nan đề cho người lãnh đạo
Trong lời mở đầu sự kiện, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT nhận định, “Lúc này, đứng trước cuộc khủng hoảng thiên niên kỷ mới có một lần, các doanh nghiệp cần phải quyết chiến và mạnh mẽ hơn nữa. Chiến đấu cho chính doanh nghiệp mình và cho sứ mệnh bảo vệ các trụ cột kinh tế quốc gia.
Diễn đàn “Từ sống sót đến thịnh vượng” là cơ hội để các doanh nghiệp ngồi lại để cổ vũ động viên, chia sẻ những câu chuyện người thật việc thật, bàn cách hình thành các liên minh trong cộng đồng Top các doanh nghiệp Việt để cùng nhau vượt khó”.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT. Ảnh: FPT. |
Thống kê mới nhất của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, 74% doanh nghiệp có khả năng phải giải thể và gần 90% doanh nghiệp mất cân đối thu chi. Là lãnh đạo của một trong những công ty lớn tại Việt Nam, đồng thời đã có kinh nghiệm làm việc cùng hàng loạt "người khổng lồ" trên thế giới, ông Trương Gia Bình cho rằng, 5 vấn đề trọng yếu mà doanh nghiệp Việt cần giải quyết nhanh chóng và kịp thời bao gồm: Đổi mới sáng tạo chuyển đổi tổ chức, Tăng trưởng doanh thu, Bảo vệ người lao động, Duy trì nguồn vốn lưu động và Giảm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Khảo sát nhanh tại sự kiện cho thấy, 85% lãnh đạo doanh nghiệp dự báo ảnh hưởng của cơn bão Covid-19 sẽ kéo dài từ nay đến hết năm 2021 và thậm chí có thể dài hơn. Tuy nhiên, trong số này, có trên 50% lãnh đạo cho rằng “trong nguy vẫn có cơ”. Các doanh nghiệp cần đối mặt khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội. Trong đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ là một con đường tất yếu.
Với những người cũng đang đứng mũi chịu sào doanh nghiệp như mình, ông Bình cho rằng, trong thời điểm này, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp cần phải đi cùng nhau, quan hệ làm ăn win-win đã cũ, giờ phải là đồng minh để cùng nhau vượt qua thách thức.
Doanh nghiệp vượt khủng hoảng thế nào?
Để giải quyết những vấn đề ông Trương Gia Bình đã khởi xướng, bằng chính những kinh nghiệm thực tiễn của mình, lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam - những doanh nghiệp đang có hành động ứng phó kịp thời với Covid-19 như FPT, Deloitte, Thiên Long, AA Corporation, Minh Phú, PNJ… đã đưa ra những giải pháp ưu tiên cấp bách. Đó cũng là những kinh nghiệm quý báu rút ra từ chính thực tế diễn ra tại doanh nghiệp để đến lúc này công ty họ vẫn đứng vững trên thị trường như chưa từng bị Covid-19 "vùi dập".
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ. Ảnh: FPT. |
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam nhận định, để giúp doanh nghiệp sống sót và phát triển thịnh vượng việc đầu tiên cần phải xây dựng nhà lãnh đạo kiên tâm, thực hiện các giải pháp kiến thiết với mục tiêu ngắn, tập trung định vị chiến lược, rồi mới xem xét đến ưu tiên ngắn hạn và trung hạn.
Ví von gợi ý "tập hợp, liên minh" trong bối cảnh khó khăn của ông Bình như cách "tiếp lửa", bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết vấn đề đầu tiên cần phải làm là xây dựng tinh thần chiến đấu trong toàn tập đoàn.
"Những ngày đầu Covid-19 chúng tôi rất sốc. Sau khi vực dậy tinh thần khỏi cú sốc đó, trong vai trò người lãnh đạo, đầu tiên phải xem lại chiến lược, có những chiến thuật và sự kiên tâm của người lãnh đạo trong việc phải vượt qua khủng hoảng và phát triển bền vững. Nhà lãnh đạo phải kiên tâm để có chiến thuật gần nhưng vẫn phải giữ tầm nhìn xa”, đại diện của PNJ nói.
Các lãnh đạo doanh nghiệp tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: FPT. |
Còn theo ông Lê Văn Quang- Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, đây là thời điểm phải đẩy mạnh sáng tạo, đổi mới lên tột bậc.
"Để sống sót, chúng tôi phải tăng tỷ lệ nuôi thành công lên 90-95% để đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi. Làm điều đó, không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đưa tỷ lệ nuôi thành công lên cao nhất", ông Văn Quang cho biết.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank chia sẻ: “Sau Covid-19, mọi thứ thay đổi sẽ khó khăn hơn nhưng cũng sẽ có rất nhiều cơ hội. Vấn đề làm thế nào phối hợp để chớp được cơ hội đó? Nếu như trước đây số hóa, tự động hóa là định hướng thì nay là điều không thể không làm. Trước đây cạnh tranh nhau, thì nay phải cùng chung sống, cùng tạo ra một hệ sinh thái để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Các diễn giả tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: FPT. |
Các lãnh đạo doanh nghiệp đều đồng nhất quan điểm, trong bối cảnh diễn biến phức tạp và khó lường của dịch Covid-19, doanh nghiệp cần phải bảo toàn nguồn nhân lực, quan tâm và nuôi dưỡng đội ngũ nhân tài; đồng thời, triển khai các giải pháp giúp tăng năng suất lao động, tối đa hóa hiệu quả hoạt động, giảm được giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, phải triển khai các chương trình đào tạo nội bộ để tạo ra những đội ngũ nhân viên không ngừng học hỏi, sẵn sàng có những sáng kiến sáng tạo để tìm ra cơ hội giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Như lời khởi xướng của ông Trương Gia Bình cùng với sự hưởng ứng của lãnh đạo các doanh nghiệp đầu ngành tại diễn đàn, vượt khủng hoảng sẽ không còn là bài toán khó khăn khi cộng đồng doanh nghiệp liên kết, đồng lòng và phát triển cùng nhau. Mỗi một doanh nghiệp sống sót, mỗi một doanh nghiệp thịnh vượng sẽ tạo động lực to lớn cho nền kinh tế quốc gia phục hồi và phát triển bứt phá trong tương lai.
Lệ Thanh