Trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Giáo dục - Đào tạo được giao hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh kết hợp tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, bữa ăn học đường phù hợp với lứa tuổi, vùng, miền và hình thức tổ chức.

Yêu cầu được đặt ra cho ngành Giáo dục và Đào tạo là đổi mới công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học, trong đó cải tiến nội dung và hình thức tổ chức tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, khuyến khích phát triển môn bơi, môn bóng, các môn thể thao dân tộc phù hợp với đặc điểm vùng, miền và điều kiện cụ thể từng trường học.

W-dayboi.jpeg
Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 khuyến khích phát triển môn bơi, môn bóng... 

Hoạt động thể lực là bất kỳ chuyển động cơ thể do cơ và xương tạo ra, trong quá trình thực hiện có sự biến đổi làm tăng nhịp tim, nhịp thở và gây tiêu hao năng lượng. Hoạt động thể lực được thực hiện theo nhiều cách khác nhau như: tham gia vào các công việc lao động hàng ngày, hoạt động vui chơi, luyện tập thể dục thể thao và đi lại…

Các hoạt động thể lực của trẻ em, học sinh bao gồm: trò chơi vận động, vui chơi giải trí, giờ học thể dục, thể thao trường học, các hoạt động trong thời gian nghỉ giữa các tiết học; đi bộ, chạy nhảy hoặc đi xe đạp đến trường và các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại, tập luyện các môn thể thao…

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh mầm non và tiểu học nên tham gia vào cả 3 loại hình hoạt động thể lực, cụ thể:

- Vận động kết hợp thở (aerobic): bao gồm các loại hình vận động có cường độ trung bình như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp, trò chơi ném và bắt bóng…; hoặc mạnh như chạy bộ, rượt đuổi, đá bóng, bơi, tennis, thể dục nhịp điệu với các động tác mạnh...

- Làm mạnh khối cơ: gồm các loại hình vận động như tập thể hình, hít đất, kéo co...

- Làm mạnh khối xương: gồm các loại hình vận động như chạy, nhảy, nhảy lò cò, bóng rổ, bóng chuyền, nhảy bao bố, yoga...

Với trẻ mầm non, giáo viên giúp trẻ có các bài tập khởi động sẽ giúp cơ thể trẻ được làm nóng, cơ bắp có sự chuẩn bị sẵn sàng và hệ tuần hoàn sẽ bơm máu giàu oxy đến khắp cơ thể. Một số các bài tập vận động: bài tập cổ, tập tay, vai; tập hông, tập chân, tập với bóng; một số bài tập yoga…

Một số trò chơi như: chạy tiếp sức rèn luyện kỹ năng chạy, phát triển sức nhanh và phối hợp, tính tập thể; đứng lên ngồi xuống theo lệnh nhằm rèn luyện phản xạ và sự tập trung cố gắng và ý thức kỷ luật; lăn bóng rèn luyện phản xạ, tập trung vào mục tiêu, sự phối hợp động tác cho nhịp nhàng…

Các bài tập vận động, trò chơi và các tư thế yoga cho trẻ mầm non được xây dựng đơn giản, đa dạng, phong phú, mới lạ cơ bản là “chơi vận động”; trẻ vận động cơ thể một cách sôi động và phóng khoáng tự do, là “vui chơi” để trẻ cảm nhận được sự thích thú và thoải mái, phù hợp với nhu cầu, sở thích được vui chơi, vận động, đặc điểm tâm sinh lý, phát triển thể chất của lứa tuổi và điều kiện thực tiễn tại nhà trường.

Các hoạt động này sẽ giúp trẻ tăng cường vận động nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc và phòng bệnh tật, giúp trẻ em hình thành các vận động cơ bản của cơ thể cũng như các vận động là nền tảng của các loại vận động, vận dụng trong sinh hoạt hàng ngày; bước đầu hình thành thói quen rèn luyện và giữ gìn sức khỏe cho trẻ.

Với học sinh tiểu học, các bài tập khởi động không chỉ giúp cơ thể được làm nóng và tinh thần, thể chất của các em được sẵn sàng, cơ bắp có sự chuẩn bị tốt nhất cho buổi tập và giảm nguy cơ chấn thương... Một số các bài tập vận động như bài tập cổ, tập tay, vai; tập hông, tập chân, tập với bóng; tập với thảm, tập với con lăn hay một số bài tập yoga rất phù hợp.  

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu 80% trường học bố trí ít nhất 1 khu vực bảo đảm các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao theo quy định; 85% trường học tổ chức hoạt động vận động thể lực phù hợp cho học sinh thông qua các hoạt động thể thao ngoại khóa, hình thức câu lạc bộ thể thao.