Ông Đỗ Công Anh, Phụ trách điều hành Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết như vậy khi trao đổi với VietNamNet về vai trò của Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia.

{keywords}
Ông Đỗ Công Anh, Phụ trách điều hành Cục Tin học hóa trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc về ứng dụng góp phần phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Lê Anh Dũng

Mới đây, Bộ TT&TT đã thành lập Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia với sứ mệnh cụ thể hoá quan điểm chỉ đạo về việc chuyển từ phòng ngừa sang tấn công Covid-19 bằng công nghệ và sẽ là cái nôi cho nhiều giải pháp mới. Các nước trên thế giới có lập trung tâm hay mô hình tương tự để phòng chống Covid hay không?

- Ông Đỗ Công Anh, Phụ trách điều hành Cục Tin học hóa: Theo như chúng tôi tìm hiểu thì đến nay chưa có quốc gia nào thành lập một trung tâm hoặc một tổ chức, chỉ tập trung vào phát triển và triển khai các công nghệ ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là điểm đặc thù và đặc biệt trong chiến lược chống dịch của Chính phủ Việt Nam, như Thủ tướng Chính phủ đã từng chỉ đạo tập trung vào 3 mũi tấn công là xét nghiệm chủ động, vắc xin và triển các giải pháp công nghệ bắt buộc, trong đó công nghệ là mũi nhọn tiên phong, chuyển từ trạng thái phòng thủ sang chủ động tấn công dịch.

Quy mô của Trung tâm này ra sao, sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề gì trong phòng chống Covid thưa ông?

- Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia được thành lập ngày 4/6/2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm gồm các thành viên nòng cốt là Lãnh đạo các Đơn vị của Bộ TT&TT gồm: Cục Tin học hoá, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia và các đơn vị của Bộ Y tế gồm: Cục Công nghệ thông tin, Cục Y tế dự phòng, Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.

Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia còn có sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ lớn nhất của Việt Nam như: Viettel, VNPT, FPT, BKAV... Ngoài ra, Trung tâm còn có đội ngũ cán bộ giúp việc là tập hợp các cán bộ kỹ thuật của Cục Tin học hoá, các kỹ thuật viên, chuyên gia công nghệ hàng đầu của các doanh nghiệp thành viên tham gia Trung tâm, đây cũng là đội ngũ nhân lực trực tiếp phát triển các nền tảng và hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai các nền tảng này tại các địa phương.

Trung tâm có các nhiệm vụ chính là đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.

Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia sẽ quản lý thống nhất, kết nối tập trung và phân phối dữ liệu khai báo y tế điện tử, dữ liệu khai báo di chuyển nội địa, dữ liệu phản ánh của người dân, dữ liệu điểm kiểm dịch và dữ liệu kiểm soát vào ra các điểm kiểm dịch giữa các hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn phát triển hoặc nhận chuyển giao các giải pháp công nghệ mới trong phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu hỗ trợ nghiệp vụ của Bộ Y tế. Đồng thời, Trung tâm còn hỗ trợ các yêu cầu về kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức triển khai các biện pháp công nghệ cho các bộ ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia đã đi vào hoạt động cùng với một số giải pháp công nghệ mới phục vụ phòng chống Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Vậy hiệu quả ban đầu Trung tâm đã đạt được như thế nào?

- Sau gần 2 tháng hoạt động, Trung tâm đã xây dựng, triển khai và đang vận hành 6 nền tảng công nghệ phòng, chống dịch chủ chốt được dùng chung trên toàn quốc gồm: Nền tảng khai báo y tế, Nền tảng quản lý các điểm ra vào bằng mã QR, Nền tảng truy vết lây nhiễm, Nền tảng quản lý cách ly, Nền tảng quản lý xét nghiệm và Nền tảng quản lý tiêm chủng. Trung tâm tiếp tục cùng các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu và phát triển các nền tảng khác phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian ngắn sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các nền tảng này.

Dữ liệu của các nền tảng đã được kết nối, liên thông và tổng hợp về một kho dữ liệu chung do Bộ Y tế và Bộ TT&TT quản lý. Ngoài ra, kho dữ liệu được xử lý big data và ứng dụng AI sẽ phục vụ các chuyên gia về dữ liệu, chuyên gia dịch tễ, xã hội học để nghiên cứu, dự báo tình hình dịch bệnh.

Trung tâm cũng đã kịp thời phát triển được các giải pháp mới quan trọng, phục vụ việc triển khai hiệu quả các nền tảng như Vòng tay thông minh phục vụ cách ly tại nhà, Camera AI phục vụ cách ly (thuộc nền tảng quản lý cách ly).

Đặc biệt, dưới sự điều phối của Trung tâm, các giải pháp công nghệ trong quá trình phát triển luôn nhận được các ý kiến tư vấn, phản biện từ phía các thành viên của Bộ Y tế, để đảm bảo khi hoàn thiện và được đưa vào triển khai, các giải pháp sẽ tương thích và đáp ứng đầy đủ các quy trình nghiệp vụ y tế. 

Hiện các nền tảng đều đang được đội ngũ cán bộ của Trung tâm triển khai đồng bộ trên khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước theo sự điều phối chung của Bộ TT&TT và Bộ Y tế.

Đặc biệt, nền tảng Quản lý Tiêm chủng được hoàn thiện và triển khai vừa đúng thời điểm chiến dịch tiêm chủng Covid-19 quốc gia bước vào giai đoạn quan trọng, với năng lực đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày đã góp phần hỗ trợ tích cực cho người dân, cơ quan y tế trong công tác đăng ký tiêm, lập kế hoạch và triển khai tiêm, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ, minh bạch về dữ liệu tiêm chủng ở mọi cấp quản lý.

Cảm ơn ông!

Thái Khang (Thực hiện)

Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 có thể hỗ trợ 5 triệu mũi tiêm/ngày

Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 có thể hỗ trợ 5 triệu mũi tiêm/ngày

Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 có năng lực đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày. Như vậy, công nghệ có thể hỗ trợ tốt cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.