TopDev, một Website tuyển dụng lập trình viên, mới đây công bố kết quả khảo sát 6 tháng đầu năm 2017, trong đó cho thấy mức lương nhân sự công nghệ tăng lên nhưng nhiều người vẫn muốn nhảy việc. Song song đó, các nhà tuyển dụng cũng khó kiếm nhân tài trong bối cảnh nhu cầu về nhân sự giỏi việc ngày càng cao.

Chia sẻ thêm về việc này, ông Nguyễn Hữu Bình - CEO Applancer, đơn vị chủ quản Website tuyển dụng lập trình viên TopDev.vn cho biết hầu hết các công ty công nghệ có xu hướng cạnh tranh nhau về mặt lương bổng để tìm kiếm và mời các lập trình viên giỏi nhất đầu quân vào tổ chức của mình. Các công ty sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn, thậm chí là “phá giá" cốt chỉ để thu hút lập trình viên tài năng. Một số các công ty công nghệ sẵn lòng trả mức lương cao hơn so với thị trường và cam kết tăng tới 20% lương cho các ứng viên có 2 năm kinh nghiệm đi kèm với đó là các phúc lợi ưu đãi khác.

Nhưng cạnh tranh về giá không phải là con đường tốt nhất. Nhiều nhà tuyển dụng thường không quan tâm tới Employer Branding - tức làm thương hiệu cho công ty họ.

“Hãy tưởng tượng nó như một trò chơi câu cá vậy, bạn phải thả thính để thu hút sự chú ý của đàn cá, và sau đó mới thả mồi có móc câu xuống đám thính. Employer Branding chính là việc thả thính, gây sự chú ý, còn việc bạn đăng tuyển chính là hành động thả mồi câu xuống, Employer Branding sẽ giúp cho việc đăng tuyển của bạn đạt hiệu quả”, ông Bình nói.

Nhiều công ty cho rằng thu nhập quan trọng nhất nhưng nhiều ứng viên thường chọn công việc hợp với chuyên môn và sở trường của mình, sau đó đến việc có thể học hỏi hoặc nhận được sự giúp đỡ của chuyên gia từ công ty đó, và cuối cùng mới cân nhắc mức lương và đãi ngộ.

Đối với lập trình viên, lương và đãi ngộ là một trong các yếu tố quan trọng nhưng chưa phải là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng tới quyết định đầu quân vào một công ty. Để có thể thu hút được ứng viên, cần tạo niềm tin cho ứng viên, ngay cả khi họ chưa có ý định nghỉ việc...

“Để tuyển được ứng viên tài năng nhà tuyển dụng cần thực hiện một chiến lược tuyển dụng dài hạn, để khi nhân viên muốn nhảy việc, thì công ty bạn chính là nơi họ nghĩ đến đầu tiên. Đảm bảo được nguồn nhân sự, bạn sẽ vẫn phải tốn chi phí nhất định, nhưng rõ ràng nó sẽ phát huy hiệu quả hơn là đợi thiếu người rồi mới vội vàng đăng tuyển”, ông Bình phân tích.

CEO Applancer cho rằng hiện nay vấn đề nhân sự trong ngành lập trình vẫn còn tồn tại bất cập khi mà lập trình viên chưa có nhiều thông tin về công nghệ, sản phẩm, văn hóa của doanh nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp thì khi thiếu người mới đăng tuyển và than trời vì thiếu nhân lực, còn sinh viên ra trường thiếu việc làm.

Sai lầm lớn nhất khiến nhà tuyển dụng không tìm được ứng viên tài năng, cốt lõi nằm ở khâu xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, tức Employer Branding - ông Bình nói.