Sáng 25/1, tại TP.HCM, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
2018 là năm tiếp tục đánh dấu sự thay đổi, chuyển biến của ngành Xuất bản theo hướng ngày càng tích cực. Các nhà xuất bản, các cơ sở phát hành đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, kế hoạch công tác và đạt những thành tích được xã hội ghi nhận.
Cụ thể trong năm 2018, Cục đã xác nhận đăng ký xuất bản với 61.752 xuất bản phẩm, trong đó có 213 tên xuất bản phẩm điện tử. Các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu: 33.087 xuất bản phẩm với hơn 430,1 triệu bản.
Theo báo cáo của các nhà xuất bản năm 2018, nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh của các nhà xuất bản có mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2017 với tổng doanh thu đạt 2506,39 tỷ đồng (giảm 13,5% so với năm 2017), nộp ngân sách 187,15 tỷ đồng (tăng 71% so với năm 2017). Lợi nhuận sau thuế của các nhà xuất bản đạt khoảng 212,34 tỷ đồng (tăng 11,5% so với năm 2017).
Thị trường xuất bản 2018 vô cùng sôi động. |
Năm 2018, do có sự nỗ lực phấn đấu, các nhà xuất bản đã xuất bản được nhiều xuất bản phẩm có giá trị phục vụ công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nội dung xuất bản phẩm luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của năm, phục vụ công tác nghiên cứu hoạch định chính sách, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, các ngày lễ kỷ niệm lớn cùng nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng mạng lưới phát hành xuất bản phẩm về cơ bản vẫn được duy trì và phát triển. Một số doanh nghiệp phát hành sách đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư để mở rộng thị trường kinh doanh, xây dựng thương hiệu ngày càng vững mạnh.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2019, Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng bên cạnh việc tiếp tục chỉ đạo các nhà xuất bản xuất bản sách, tài liệu đúng quy định của pháp luật, định hương của Đảng và bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm thì cần có chiến lược, kế hoạch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Xây dựng kế hoạch trình Chính phủ có chính sách cụ thể, các giải pháp liên quan để hỗ trợ khôi phục và phát triển hệ thống phát hành đối với mọi vùng miền; đề nghị Chính phủ xem xét cơ chế thực hiện đề án 'Xây dựng và khôi phục mạng lưới phát hành sách cấp huyện tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn'.
Về nhiệm vụ cụ thể, cần triển khai thực hiện Nghị định số 150/2018/NĐ-CP, Nghị định số 25/2018/NĐ-CP; hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư liên tịch, triển khai thực hiện và chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày sách Việt Nam"; tích cực tổ chức các hoạt động hội chợ sách trong nước và quốc tế; nghiên cứu để đề ra các giải pháp phòng, chống in lậu, đặc biệt là bảo vệ quyền tác giả, chống thu thuế và làm trong sạch thị trường xuất bản....
Trong năm tới, toàn Ngành cần tiếp tục nỗ lực, chủ động nắm bắt cơ hội để duy trì và phát huy những thành tích đã đạt được trong năm qua. Đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm những đột phá mới, áp dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ nhằm nâng cao hơn nữa hình thức và chất lượng xuất bản phẩm, hoàn thành tốt nhiện vụ trong thời kỳ mới.
T.T
TP.HCM tổ chức lễ hội Đường sách Tết Kỷ Hợi 2019
Với chủ đề 'Muôn màu của sách', Lễ hội đường sách Tết Kỷ Hợi 2019 sẽ diễn ra từ ngày 2-8/2 trên 3 trục đường gồm Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Huệ và Ngô Đức Kế.