Du khách nước ngoài kể chuyện bị mắc kẹt
Simon Whitmarsh, 55 tuổi, một bác sĩ nghỉ hưu đến từ xứ Wales, Anh đang đi du lịch ở Sri Lanka. Ông Whitmarsh kể, bản thân đang đạp xe gần thành phố miền đông Batticaloa thì nghe thấy một tiếng nổ rất lớn, rồi nhìn thấy khói cuồn cuộn bốc lên trên bầu trời ở cách xa mình khoảng 800 mét.
Một vụ nổ đã làm rung chuyển một nhà thờ của Batticaloa đúng vào lúc các tín đồ Công giáo đang tụ họp để tham gia các nghi lễ của ngày Chủ nhật Phục sinh.
"Sau đó, chúng tôi nhìn thấy nhiều xe cứu thương, mọi người gào khóc. Chúng tôi được yêu cầu rời khỏi khu vực", ông Whitmarsh kể với hãng tin BBC.
Từng là bác sĩ tư vấn nhi khoa, ông Whitmarsh cảm thấy mình cần phải giúp các nạn nhân, nên tình nguyện hỗ trợ tại bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, nhà chức trách Batticaloa nói họ đã kiểm soát được tình hình.
"Lúc ấy, họ đã kích hoạt các biện pháp khẩn cấp. Quân đội cử rất nhiều binh sĩ canh gác bệnh viện và ngăn hầu hết mọi người không phận sự vào đó. Tất cả các đường phố quanh nơi này đều bị phong tỏa. Mọi thứ dường như được tổ chức rất bài bản. Tất cả những gì tôi có thể làm là tìm ai đó cấp cao hơn để xem liệu tôi có thể giúp gì được hay không", du khách Anh cho biết thêm.
Các binh sĩ bảo vệ nhà thờ St Anthony ở Colombo sau vụ đánh bom. Ảnh: BBC |
Theo ông Whitmarsh, nhà chức trách Sri Lanka đã cho ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc ngay sau các vụ nổ. Sắc lệnh đã khiến các đường phố tại nước này hoàn toàn không còn xe cộ hay người đi lại. Nhiều người đồng hương của ông Whitmarsh đã tính tới chuyện về Anh, nhưng ông cho rằng họ không thể làm gì cho tới khi Chính phủ Sri Lanka cho dỡ bỏ lệnh giới nghiêm.
Tuy nhiên, hãng hàng không Sri Lanka Airlines ngày 21/4 thông báo vẫn thực hiện các chuyến bay khởi hành từ nước này sau lệnh giới nghiêm. Sri Lanka Airlines cho hay, hành khách đã mua vé các chuyến bay dự kiến khởi hành từ phi trường quốc tế Bandaranaike vẫn có thể đến sân bay bằng cách trình vé và hộ chiếu tại các chốt kiểm tra an ninh. Do an ninh thắt chặt nên nhà chức trách địa phương khuyến nghị các hành khách nên tới làm thủ tục 4 giờ trước khi các chuyến bay khởi hành.
Kiều dân kể lại giây phút khách sạn bị đánh bom
Julian Emmanuel, 48 tuổi lớn lên ở Sri Lanka nhưng hiện sống cùng vợ và hai con tại Surrey, Anh. Trong tuần này, họ đang có mặt tại thủ đô Colombo của Sri Lanka để thăm một số người họ hàng vẫn đang sinh sống tại đây.
Cả gia đình Emmanuel đang ngủ trong phòng của họ tại khách sạn Cinnamon Grand ở Colombo thì một quả bom phát nổ.
"Tất cả chúng tôi đều đang trong phòng ngủ thì nghe thấy một tiếng nổ khủng khiếp làm rung chuyển cả phòng khách sạn. Tôi nghĩ lúc ấy khoảng 8h30. Chúng tôi sau đó được các nhân viên khách sạn dẫn vào khu vực sảnh rồi được yêu cầu sơ tán qua cửa hậu. Đây cũng là lúc chúng tôi nhìn thấy những trường hợp thương vong được đưa tới bệnh viện. Chúng tôi cũng nhìn thấy khách sạn bị phá hủy", ông Emmanuel nhớ lại.
Một nhân viên khách sạn sau đó kể với Emmanuel việc cô đã nhìn thấy một thi thể ở hiện trường vụ nổ. Một trong các nhà hàng trong khách sạn đã bị nổ tung.
"Tôi đã trải qua 18 năm đầu đời ở Sri Lanka, nên tôi từng chứng kiến rất nhiều cảnh xung đột sắc tộc. Trong khi vợ và các con tôi chưa từng nhìn thấy thứ gì giống chiến tranh. Vì vậy, những gì vừa trải qua vô cùng khó khăn. Nó thực sự buồn. Tôi từng nghĩ Sri Lanka đã bỏ lại mọi bạo lực phía sau, nhưng hiện thật buồn khi chứng kiến bạo lực tái diễn", ông Emmanuel bộc bạch.
Người dân sẵn sàng đi hiến máu cứu các nạn nhân
Usman Ali sống ở thủ đô Colombo của Sri Lanka. Anh nhận ra điều bất thường đầu tiên khi nhìn thấy những người hành hương chạy thục mạng khỏi một nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã gần nhà mình.
Bên trong một nhà thờ bị đánh bom ở Sri Lanka. Ảnh: Sputnik |
Đường qua nhà Ali, vốn dẫn đến bệnh viện chính của thành phố, đột nhiên đầy xe cứu thương. Anh kiểm tra từ khóa #LKA trên mạng xã hội và nhanh chóng biết được thảm kịch đang xảy ra.
Giữa những hình ảnh và video về các vụ tấn công đăng tải trên mạng, Ali nhìn thấy lời kêu gọi hiến máu giúp các nạn nhân. Anh đã tới Trung tâm huyết học quốc gia và thấy rất nhiều người đang có mặt tại đây.
"Có rất nhiều người. Các con đường tắc nghẹt do mọi người cố gắng đỗ xe của họ ở bất kỳ đâu để vào trung tâm hiến máu. Hiện, nhà chức trách đang ghi tên, nhóm máu và số điện thoại của những người sẵn sàng hiến máu. Họ yêu cầu tất cả chỉ quay lại nếu có đại diện của Trung tâm huyết học quốc gia gọi điện liên lạc", Ali kể.
Rất đông người tình nguyện hiến máu cứu các nạn nhân đang chờ làm thủ tục tại Trung tâm huyết học quốc gia. Ảnh: BBC |
Theo người đàn ông này, tinh thần cộng đồng dâng cao mạnh mẽ bên trong trung tâm huyết học. "Mọi người chỉ có một sự quan tâm, đó là giúp các nạn nhân của các vụ nổ, bất kể tôn giáo hay sắc tộc. Ai cũng giúp người bên cạnh mình điền các thông tin vào mẫu có sẵn theo yêu cầu. Tôi tự hỏi các cuộc tấn công này bắt nguồn từ đâu. Xin Chúa hãy phù hộ cho chúng tôi!".
Dù hiện chưa có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom liên hoàn vừa qua nhằm vào các nhà thờ và khách sạn của Sri Lanka, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Ruwan Wijewardene tuyên bố đã xác định được các nghi phạm và chúng là những kẻ cực đoan tôn giáo.
Tuấn Anh