Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các Hiệp hội về an toàn, an ninh thông tin của Nhật Bản cùng 8 nước ASEAN gồm Việt Nam, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines đã được ký kết tại Hội nghị quốc tế cộng đồng an toàn thông tin mạng ASEAN – Nhật Bản, được tổ chức tại Tokyo – Nhật Bản hồi đầu tháng 10/2023. Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA Nguyễn Thành Hưng đã đại diện Hiệp hội ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác này.
Thông tin với phóng viên VietNamNet, ông Khổng Huy Hùng, Phó Chủ tịch VNISA cho biết, biên bản ghi nhớ hợp tác nêu trên thể hiện sự cam kết của các Hiệp hội an toàn, an ninh thông tin khu vực ASEAN và Nhật Bản trong việc củng cố mối quan hệ đối tác trong lĩnh vực an toàn thông tin, dựa trên sự đổi mới và bền vững.
“Sắp tới, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam sẽ cùng các hiệp hội an toàn, an ninh thông tin của Nhật Bản và 7 nước ASEAN khác phối hợp triển khai nhiều hoạt động như hội thảo, trao đổi chuyên gia, hợp tác đào tạo”, ông Khổng Huy Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Khổng Huy Hùng, tại Hội nghị quốc tế cộng đồng an toàn thông tin mạng ASEAN - Nhật Bản, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đã có những đề xuất thiết thực trong việc tăng cường hợp tác phát triển không gian mạng an toàn, trong đó nhấn mạnh việc cần phải xây dựng các tiêu chuẩn chung về an toàn thông tin trong khu vực, tăng cường trao đổi chuyên gia, giúp các thành viên ASEAN tăng cường an toàn thông tin cho khu vực.
Khẳng định sự cần thiết có các tiêu chuẩn chung về an toàn thông tin giữa các nước trong khu vực, đại diện VNISA nêu dẫn chứng, nếu có tiêu chuẩn chung về sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin, việc đưa các giải pháp an toàn thông tin mạng của Việt Nam ra cung cấp tại thị trường ASEAN và Nhật Bản sẽ thuận lợi hơn.
Có sự tham gia của đại diện các cơ quan thuộc Chính phủ, các Hiệp hội, doanh nghiệp an toàn thông tin của các nước, Hội nghị quốc tế cộng đồng an toàn thông tin mạng ASEAN – Nhật Bản do Trung tâm ứng phó sự cố và chiến lược an ninh mạng quốc gia Nhật Bản tổ chức. Đây là một sự kiện quan trọng nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ASEAN và Nhật Bản trong lĩnh vực an toàn mạng, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản.
Hội nghị cũng là dịp để các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp an ninh mạng đến từ các quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về lĩnh vực an ninh, an toàn mạng, là nơi giới thiệu các sáng kiến và những điểm nổi bật trong bảo đảm an toàn thông tin của các nước.
Các phiên thảo luận tại hội thảo tập trung vào các vấn đề chính như tương lai quan hệ hợp tác an toàn thông tin khu vực ASEAN – Nhật Bản; vai trò của cộng đồng an toàn mạng trong việc bảo vệ không gian mạng quốc gia; hoạt động của cộng đồng an toàn mạng trong việc nâng cao nhận thức về an toàn thông tin; tiêu chuẩn an toàn thông tin cho các thiết bị IoT/IIoT; xu hướng nghiên cứu các mối đe dọa an toàn mạng mới nổi; các giải pháp công nghệ an toàn thông tin mạng; an ninh mạng trong các tổ chức tài chính; thách thức trong việc ứng phó sự cố an toàn mạng.
Trước đó, ngày 4/8, ngay sau phiên họp của Nhóm công tác về an toàn thông tin ASEAN - Nhật Bản tại Hà Nội, VNISA đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan An toàn thông tin Nhật Bản (NISC) tổ chức hội thảo chủ đề “Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về an toàn, an ninh mạng giữa cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp”.
Tại sự kiện này, các chuyên gia đều thống nhất rằng cần thiết tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin cũng như cần sự nỗ lực hợp tác cụ thể trong việc phòng chống các mối đe dọa an toàn thông tin và hợp tác trong việc đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực an toàn thông tin chất lượng cao.
Với riêng VNISA, việc tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu để góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân sự làm an toàn thông tin thuộc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là hội viên và đối tác luôn là một nhiệm vụ được Hiệp hội chú trọng. Hai khóa đào tạo tiêu biểu đã được VNISA tổ chức trong các tháng đầu năm nay là “Đào tạo nâng cao năng lực về phân tích, xử lý và phòng chống mã độc” và “Kỹ năng kiểm tra và đánh giá an toàn thông tin”.