Các quốc gia đang phát triển tổn thất hàng ngàn tỷ USD vì hoạt động lừa đảo, tham nhũng và các giao dịch kinh doanh mờ ám. Tiền bẩn rời khỏi các quốc gia này với tốc độ nhảy vọt.

Theo tổ chức nghiên cứu tham nhũng tài chính Global Financial Integrity, khoản tài chính bất hợp pháp tuồn khỏi 150 quốc gia đang phát triển năm 2011 ước tính 946,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm trước và đạt con số lớn nhất trong cả một thập niên vừa qua.

Điều này đồng nghĩa, cứ 1 USD hỗ trợ phát triển kinh tế chuyển vào một nước đang phát triển thì 10 USD bị mất mát theo các dòng tiền bất hợp pháp.

"Khi mà kinh tế thế giới đang phải oằn mình theo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì thế lực hoạt động tài chính bất hợp pháp lại trỗi dậy mạnh mẽ, bòn rút ngày càng nhiều tiền của từ các nước đang phát triển", chủ tịch GFI Raymond Baker cho biết.

Vấn đề này cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà lãnh đạo G20 khi họ phải đang vật lộn với những thử thách nhằm hàn gắn lại nền kinh tế sau cuộc đại suy thoái 2008-2009 trong bối cảnh khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng. Một trong những phương án đưa ra là trấn áp hoạt động trốn thuế cũng như xử lý các công ty ma - nơi rửa tiền và cất giấu tài sản bất hợp pháp.

{keywords}

Tiền bẩn tại Trung Đông và Bắc Á gia tăng nhiều nhất với 31,5% trong giai đoạn 2002-2011. Tiếp theo là khu vực châu Phi cận Saharan với mức tăng 20,2%.

Cũng trong khoảng thời gian trên, châu Á bị thất thoát nhiều tiền của nhất khi chiếm 40% trong tổng số 5,9 ngàn tỷ USD tiền bẩn bị tuồn ra khỏi thế giới đang phát triển. Đứng đầu là Trung Quốc với 1,08 ngàn tỷ.

Tính theo giá trị GDP, tình hình khu vực châu Phi cận Saharan là nổi cộm nhất với trung bình 5,7% GDP bị tổn thất tiền bẩn mỗi năm trong thập kỷ qua trong khi tỷ lệ trên toàn thế giới là 4%. Nigeria đứng đầu danh sách với con số 142,3 tỷ USD, tiếp sau là Nam Phi với 100,7 tỷ USD.

Tình trạng này vẫn sẽ tiếp tục và nó tác động tai hại đến sự phát triển kinh tế cũng như ổn định của châu Phi, các chuyên gia kinh tế nhận định.

Để thực hiện nghiên cứu, GFI tiến hành theo dõi 150 quốc gia đang phát triển bằng cách sử dụng các báo cáo và cán cân thương mại chính thức.

Theo tính toán của GFI, biến tấu hóa đơn thương mại để trốn thuế hoặc giấu giếm những khoản chuyển tiền lớn là phương thức phổ biến nhất trong dòng tiền bất hợp pháp khi chiếm đến hơn 79%.

Họ cũng nghiên cứu dữ liệu và phân tích dòng tiền vào từ hoạt động đầu tư nước ngoài, hỗ trợ và vay nợ và cách chúng được sử dụng ra sao. Theo đó, Nga gặp phải vấn đề trầm trọng nhất khi trở thành nhà "xuất khẩu" vốn bất hợp pháp hàng đầu thế giới năm 2011 với 191,14 tỷ USD, tiếp đên là Trung Quốc (151,35 tỷ USD) và Ấn Độ (84,93 tỷ USD).

Nhóm các nước G8 hồi tháng 6 vừa qua cũng nhận định, các công ty ma đang trở thành vấn đề mang tính quốc tế cần phải xử lý.

Trong khi đó, một nhóm các nhà lãnh đạo thế giới cho rằng, Liên hợp quốc có thể góp phần ngăn chặn dòng tiền tài chính bất hợp pháp trên thế giới bằng những mục tiêu chống đói nghèo cụ thể trong thời gian tới.

HungNinh (Theo Reuters)