Các doanh nghiệp kiến nghị mở rộng việc miễn thị thực nhập cảnh (Visa) cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Thế nhưng Bộ Công an, Bộ Ngoại giao lại cho rằng miễn visa không tác động lớn đến lượng khách.

Chậm miễn visa, mất lượng khách lớn

Nhiều ý kiến đề nghị miễn thị thực hoặc áp dụng thị thực linh hoạt cho khách du lịch quốc tế để tăng lượng khách tại phiên Hiến kế về du lịch, Diễn đàn Kinh tế tư nhân do Ban Kinh tế và Chính phủ đồng chủ trì ngày 2/5.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, cho biết, nhiều đơn vị đã đề xuất bỏ visa cho một số nước, vùng lãnh thổ từ năm 2016 song vẫn chưa được.

{keywords}
Khách quốc tế đến Việt Nam rồi ít khi quay trở lại.

Biết rằng “bỏ cái gì thì đều rất khó”, nên ông Kỳ đề xuất áp dụng chính sách visa linh hoạt. Ví dụ, Đài Loan áp dụng visa Quan Hồng cho người Việt Nam, Mỹ đặt giới hạn về visa. Nếu muốn phát triển du lịch, chúng ta cần có chính sách mở hơn về visa. Visa linh hoạt có thể cấp theo theo thị trường khách đông - vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, Seagames, Festival Huế, Vesak tháng 5/2019...

Có một thực tế, nhiều thị trường chúng ta miễn thị thực nhưng khách không tăng. Theo đại diện Vietravel, có thể đó là miễn visa sai mục tiêu.

Ông Ngô Minh Đức, Tổng giám đốc AG Travel, cũng cho rằng visa là hình thức tiên quyết để phát triển, cụ thể như Thổ Nhỹ Kỳ đã đưa vào E-visa. Chính sách visa là tốt nhưng quan trọng phải mở thế nào, đặc biệt các thị trường thu nhập cao như Australia, Bắc Mỹ...

Dù vậy, đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công An lại tỏ ra đồng ý với ý kiến của Bộ Ngoại giao rằng “miễn thị thực không phải tiêu chí để người nước ngoài chọn du lịch Việt Nam”.

Ông Nguyễn Văn Thống lấy ví dụ khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khách nhập cảnh Việt Nam, dù công dân nước này không được miễn visa. Do đó, ông Thống khẳng định: Miễn visa không phải yếu tố quyết định để thu hút khách quốc tế.

Trước đó, phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Phương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cũng nhận xét: Qua các nghiên cứu tổng kết, từ khi miễn thị thực đơn phương cho các nước đến nay, chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định tác động tới ngành du lịch Việt Nam. Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch, tỷ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn thị thực.

{keywords}
Miễn visa là vấn đề cần được xem xét cụ thể.

Visa là vấn đề quan trọng

Dù ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an khẳng định miễn thị thực không ảnh hưởng nhiều đến lượng khách đến Việt Nam, thì ý kiến của doanh nghiệp phát biểu sau đó đều phản bác lại.

Ông Lương Hoài Nam -  Phó Tổng giám đốc Công ty hàng không Ngôi Sao Việt, không đồng tình với ý kiến cho rằng việc miễn visa không ảnh hưởng đến du lịch.

"Số người Việt Nam sang Thái Lan năm ngoái là 1 triệu và visa là yếu tố quan trọng với du lịch. Câu hỏi thường trực của khách là tại sao Việt Nam không miễn visa cho chúng tôi trong khi nhiều nước miễn. Đây là vấn đề nhận được quan tâm hàng đầu trong chính sách phát triển du lịch của các nước", ông Lương Hoài Nam nói.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, đại diện Vietrantour, visa là một vấn đề rất quan trọng trong đón khách quốc tế đến Việt Nam. So sánh với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đang xếp sau Malaysia và Thái Lan về số quốc gia được miễn thị thực,

Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam, cho hay: Khách du lịch quay lại Thái Lan rất đáng kể nhưng chúng ta chưa làm được điều này. Các bạn có thể thấy khách tới Việt Nam một lần và rất ít quay lại lần thứ hai. Chúng ta cần có các nhóm khách khác nhau để tạo ra một thị trường chung. Mức phí visa mà chúng ta dành cho du khách cần dễ chịu hơn. Nếu chúng ta miễn visa cho các thị trường mà chúng ta hướng tới có thể đem về hàng trăm triệu đô la.

Theo ông Kenneth Atkinson, cần tập trung gia tăng miễn thị thực nhiều nước hơn nữa. “Chúng tôi kỳ vọng áp dụng cho các nước Australia, New Zealand, Hà Lan... vì chúng ta không thể bỏ qua những nước phát triển như vậy. Chúng tôi muốn mở rộng visa với một số nước như trên, kéo dài từ 15 thành 30 ngày để khách ở lâu hơn, chi trả nhiều hơn”. 

Bên cạnh đó là minh bạch các thông tin liên quan đến thị thực như một trang web chung. “Chúng tôi đã khảo sát và thấy rất khó để truy cập bởi những người dùng thông thường, khách quốc tế gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin visa. Một số khách phàn nàn đến TP.HCM mới biết họ được miễn thị thực.

Lương Bằng