Hai nhà thiết kế từ buổi “ban sơ” của Apple đã đăng một bài viết trên trang Co.Design bình luận về hướng thiết kế mới của Apple. Theo đó, hai tác giả này cho rằng, công ty đã đặt tính trang nhã và sự đơn giản về mặt hình ảnh lên trên khả năng hiểu và dễ sử dụng. Hai cựu nhân viên này chính là Bruce “Tog” Tognazzini, từng là nhân viên thứ 66 của Apple đồng thời là người viết sách hướng dẫn giao diện người sử dụng đầu tiên, và Don Norman, nhà thiết kế giao diện người sử dụng cho Apple từ năm 1993 đến năm 1996.

Hai người này viết: “Apple đang phá hủy thiết kế”, đánh đổi những nguyên tắc thiết kế cơ bản nhất mà công ty đã từng duy trì để đưa ra cách tiếp cận tối giản mới. Kiểu thiết kế này được thể hiện qua việc sử dụng font chữ San Fransisco vốn khiến nhiều người trong đó có cả Norman và Tog đều chê là quá nhỏ:

Mặc dù các sản phẩm bây giờ có đẹp hơn trước kia nhưng vẻ đẹp đó đã bị đánh đổi bởi với giá quá đắt. Điều mất đi chính là những nguyên tắc cơ bản trong một thiết kế tốt: khả năng khám phá, phản hồi, phục hồi… Thay vào đó, Apple lại chạy theo cái đẹp, đưa vào một font chữ quá nhỏ và gầy, độ tương phản thấp, khiến nhiều người với có khả năng nhìn bình thường cảm thấy khó hoặc không thể đọc được.

Hai người này cũng chỉ trích Apple về những vấn đề như không sử dụng các nút phổ thông như hủy (undo) hay quay lại (back) có trên Android, và có quá nhiều trình đơn “ẩn” dựa trên cử chỉ khiến sự đơn giản về mặt hình ảnh đã bị đặt lên trước cả khả năng sử dụng.

"Thiết kế tốt phải hấp dẫn, làm hài lòng và đem lại trải nghiệm sử dụng tuyệt vời. Tuy nhiên, những sự tuyệt vời đó yêu cầu thiết bị phải dễ hiểu và độ lượng. Nó phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về tâm lý, khiến người dùng có thể hiểu được, kiểm soát được và cảm thấy thỏa mãn. Những điều này bao gồm khả năng sáng tạo, phản hồi, kết nối chính xác, có độ tương phản vừa đủ và đương nhiên có khả năng làm ngược lại (undo) những thao tác mà một người sử dụng đưa ra. Đấy là những nguyên tắc cơ bản mà chúng tôi dạy các sinh viên năm nhất về thiết kế tương tác. Nếu Apple tham dự các lớp học này, họ sẽ trượt".

Norman và Tog cho biết sự vuợt quá giới hạn trong thiết kế của Apple đã đi quá xa, không chỉ trong font chữ trên điện thoại của bạn, mặc dù Apple có ảnh hưởng lớn với văn hóa thiết kế, sự lựa chọn của Apple có khả năng lan tỏa đến các ngành công nghiệp khác như hạ tầng, chăm sóc y tế. “Apple đang củng cố cho cái cũ, làm mất đi quan điểm về công việc duy nhất của nhà thiết kế là giúp mọi thứ đẹp hơn, thậm chí còn đưa ra những chức năng đúng đắn, hỗ trợ khả năng hiểu được, đảm bảo việc dễ sử dụng”.

"Tệ hơn, nhiều công ty đã đi theo vết xe của Apple, chạy theo vẻ bề ngoài và quên đi những nguyên tắc cơ bản trong một thiết kế tốt. Kết quả là các lập trình viên hối hả viết code mà chẳng hiểu ai là người sử dụng sản phẩm. Các nhà thiết kế tập trung hoàn toàn vào việc làm thế nào để nó đẹp hơn. Những giám đốc thì loại bỏ các nhóm trải nghiệm người dùng, những người muốn giúp thiết kế hoàn chỉnh hơn và đảm bảo cho sản phẩm có thể sử dụng được ngay trong khâu thiết kế, không phải khâu sản xuất, lập trình hay tung sản phẩm, khi đã quá muộn. Những nhà quản lý không đồng bộ của công ty cho rằng những nghiên cứu đầu tiên trong thiết kế, lên nguyên mẫu và kiểm tra sản phẩm sẽ làm chậm quá trình phát triển. Không phải vậy. Khi được làm một cách hoàn chỉnh, nó sẽ đẩy nhanh tốc độ mọi thứ bởi công ty có thể nắm bắt được vấn đề ngay từ đầu, trước khi quá trình lập trình bắt đầu".

Hai tác giả bài viết này không chỉ chỉ trích mỗi thiết kế của Apple mà còn chỉ trích cả Google Maps và Android vì những lỗi tương tự. Nhưng khi bạn là công ty lớn nhất trên thế giới và bán những chiếc smartphone nổi tiếng nhất trên hành tinh, bạn sẽ là tâm điểm của mọi sự chỉ trích.

Tuy nhiên, hai tác giả này cũng thừa nhận Apple đã thành công trong việc tạo nên những sản phẩm có thiết kế hình ảnh hấp dẫn, chính điều đó đã giảm bớt phần nào những chỉ trích của người sử dụng: “Sản phẩm đẹp! Và thú vị. Thế nên khi mọi người gặp khó khăn khi sử dụng, họ tự đổ lỗi cho mình. Tốt cho Apple. Tệ cho người dùng”.