Vườn Quốc gia Cúc Phương được biết đến là rừng đặc dụng và nguyên sinh lớn có diện tích trên 22 nghìn ha. Nơi đây nổi tiếng có hệ sinh thái động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, nhiều loại động thực vật đặc hữu, quý hiếm với trên 2 nghìn loại thực vật bậc cao, 122 loại bò sát lưỡng cư, gần 2 nghìn loại côn trùng và 135 loài thú. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm của rừng khá mỏng chỉ có 60 người với trang thiết bị còn thiếu thốn và phải dàn trải trên một diện tích lớn rừng tự nhiên, địa hình phức tạp là một thách thức. 

W-Cucphuong.png
Vườn Quốc gia Cúc Phương được biết đến là rừng đặc dụng và nguyên sinh lớn có diện tích trên 22 nghìn ha.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, được sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID, Vườn đã triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, Ban Quản lý vườn đã ứng dụng phần mềm Smart như một công cụ quản lý và giám sát việc thực thi nhiệm vụ, hoạt động tuần tra thực địa của lực lượng bảo vệ rừng.

Smart là viết tắt của tên bộ công cụ Quản lý dữ liệu và Báo cáo tuần tra, được xây dựng nhằm cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và giám sát đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Bộ công cụ Smart bao gồm: Phần mềm Smart, Mô hình dữ liệu, Mẫu báo cáo smart và Hướng dẫn kỹ thuật phần mềm. Các phiên bản cập nhật Smart đều được đăng tải trên trang website của Tổng cục Lâm nghiệp tại địa chỉ: https://tongcuclamnghiep.gov.vn. Thông qua đó, thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua công cụ quản lý dữ liệu và tuần tra thống nhất dùng chung trên phạm vi cả nước từ Trung ương đến cơ sở, góp phần bảo tồn phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học quốc gia. Bên cạnh việc hỗ trợ các trang thiết bị thông minh, phần mềm thì việc tập huấn chuyển giao cách thức sử dụng phần mềm theo hình thức trực tiếp đã giúp đội ngũ cán bộ kiểm lâm nhanh chóng tiếp cận được công nghệ.

Các tuyến tuần tra của các trạm đội bảo vệ rừng được GPS lưu trữ đầy đủ các thông tin như tọa độ, khoảng cách tuần tra, ngày tháng tuần tra; các thông tin thu thập được trong suốt tuyến tuần tra về bảo vệ rừng, ghi nhận đa dạng sinh học được điền vào phiếu tuần tra Smart. Định kỳ 15 ngày 1 lần dữ liệu được nhập vào phần mềm Smart, từ đó có thể quản lý, giám sát hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách cũng như nắm bắt các thông tin kịp thời; đồng thời xây dựng báo cáo một cách khoa học, hợp lý.

Nhờ đó, hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách cũng như việc xây dựng báo cáo được thực hiện một cách khoa học, hợp lý. Ứng dụng công nghệ không chỉ nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học mà còn hướng tới một môi trường xanh cho nhân loại.

Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương bày tỏ: "Tại Vườn Quốc gia Cúc Phương đã chấm dứt hoàn toàn nạn phá rừng làm rẫy, số vụ vi phạm lâm luật giảm trên 70% so với trước đây, mức độ thiệt hại về tài nguyên rừng rất nhỏ.

Đặc biệt, không có điểm nóng phá rừng xảy ra trên địa bàn. Đây chính là nền tảng quan trọng để Vườn Quốc gia Cúc Phương bảo vệ, phát triển hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học".