Dịch lở mồm long móng từ khi xuất hiện, thường xuyên tái đi tái lại. Đến nay đã có 59 quốc gia thông báo xuất hiện dịch và phần lớn vi rút dịch vẫn lưu hành ở các nước này. Trong bối cảnh này, chúng ta cũng không thể mong một sớm một chiều hết được dịch này mà ngành chăn nuôi xác định "sống chung với dịch", tức là vẫn phải sản xuất trong điều kiện có dịch (dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh...).

{keywords}
Các trang trại chăn nuôi không bị dịch bệnh nhờ phòng, chống xâm nhiễm nghiêm ngặt.

Do vậy, chúng ta phải tổ chức chăn nuôi thật tốt, đặc biệt là áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Chắc chắn trong tương lai phải tiếp cận theo hướng đó. Tuy nhiên, để thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học thì phải đầu tư rất lớn. Mô hình này hiện đang được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như CP, Dabaco, Masan... thực hiện rất tốt. Thực tế, các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn này đều không bị các loại dịch bệnh xâm nhiễm bởi họ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh rất nghiêm ngặt.

Còn đối với các hộ chăn nuôi nông hộ (chiếm 60%) thì gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học bởi khoảng cách chuồng trại rất gần nhau, lại xen kẽ giữa các khu dân cư... khiến việc kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn. Dần dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ này sẽ không tồn tại được nếu không có đủ điều kiện đầu tư áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Người chăn nuôi nông hộ phải tự ý thức, đáp ứng được hệ thống chuồng trại đảm bảo yêu cầu phòng, chống được các loại dịch bệnh trong chăn nuôi. Có nghĩa là phải có khu chăn nuôi riêng biệt, tách biệt khu dân cư để đảm bảo rằng người và đàn vật nuôi không thể ra vào dễ dàng như tình trạng hiện nay ở khu vực nông thôn. Các nông hộ phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình, quy phạm về chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát thức ăn, nhất là thức ăn thừa, không nên tận dụng mà có thể chuyển sang làm phân bón. Hoặc nếu dùng thì phải xử lý nhiệt bởi khi xử lý nhiệt ở 100 độ C thì tất cả các vi rút của mọi loại bệnh đều có thể bị tiêu diệt.

Còn khi đã vào khu chăn nuôi là phải có hố vôi sát trùng, đây là biện pháp phòng dịch đơn giản nhất; đồng thời, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng hàng tuần, hàng tháng. Hiện nay, giải pháp đang được thực hiện là phun thuốc từ trong chuồng trại phun ra để tránh tình trạng mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhiễm vào chuồng trại. Bên cạnh đó, hạn chế người đi ra vào khu chăn nuôi và phải mặc áo bảo hộ... Các biện pháp này không chỉ áp dụng ở các trang trại mà ngay cả các hộ chăn nuôi nông hộ cũng phải áp dụng thì mới hạn chế được nguy cơ dịch bênh lây lan.

Ngoài ra, người chăn nuôi phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin đúng theo quy định cho đàn vật nuôi. Nước uống cho đàn vật nuôi cũng phải sử dụng nguồn nước riêng, nước máy là tốt nhất không thì là nước giếng.

Đối với con giống, nếu người chăn nuôi tự túc được thì tốt, không thì phải mua con giống có nguồn gốc rõ ràng ở các cơ sở có uy tín, được tiêm phòng đầy đủ. Đó là những điểm cơ bản trong chăn nuôi an toàn sinh học.

Đối với các ổ dịch đã xuất hiện, nếu sau 30 ngày không còn có dịch thì người chăn nuôi mới được tái đàn mà chỉ tái đàn khoảng 10% (tức là đàn nuôi 100 con thì chỉ tái đàn 10 con) và không được tái đàn ồ ạt. Sau 1 tháng, nếu dịch bệnh không phát sinh thì sẽ thực hiện tái đàn tiếp.

Thanh Hùng