Thảo luận về dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức chiều nay, về việc xử lý kỷ luật cán bộ công chức nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, đây là quy định phù hợp với thực tiễn.
Ông cho hay, thời gian qua có nhiều trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng không xử lý kỷ luật được do vướng luật.
Theo ông, dự thảo bổ sung là cần thiết nhằm phòng ngừa, răn đe các cán bộ công chức khi làm việc phải đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, cơ quan, đơn vị không được sai phạm.
ĐB đề nghị tách một điều riêng trong dự thảo để quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
ĐB Nguyễn Thị Phúc. Ảnh: Minh Đạt |
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đề nghị Chính phủ cân nhắc, khắc phục một số bất cập.
“Những văn bản quyết định mang tính pháp lý có chữ ký của cán bộ công chức trong thời gian công tác trước đây, sau khi bị kỷ luật còn hiệu lực hay không?
Quy định như thế nào chống thiệt hại cho người chịu tác động bởi văn bản đó? Nếu cán bộ đó ốm yếu, bệnh nặng không thể tham gia việc xử lý kỷ luật thì sẽ như nào? Những việc này cần quy định rõ hơn”, bà Phúc nói.
ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, kỷ luật cán bộ công chức về hưu nghe thì có vẻ vô lý nhưng rõ ràng làm rất hiệu quả, có tác dụng răn đe, vấn đề là có xử lý hay không.
Tuy nhiên, bà nhận định việc xóa tư cách chưa được phù hợp. Bà đề nghị cân nhắc về phạm vi đối tượng vì “ở đây cũng chỉ nhắm vào các cấp lãnh đạo, xóa tư cách chức vụ, chứ đối với công chức bình thường thì cũng không có gì để xóa”.
ĐB Trần Thị Hằng. Ảnh: Minh Đạt |
ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) cũng đề nghị QH cân nhắc việc luật hóa với hình thức kỷ luật “xóa tư cách” chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm. Bởi lẽ việc “xóa tư cách” đã đảm nhiệm chỉ là “xóa cái danh” của cán bộ, công chức đó.
“Quan trọng hơn là các chế độ, chính sách kèm theo chức danh đó như phụ cấp, thưởng, cán bộ, công chức đó đã được hưởng thì có bị truy thu hay không?”, ĐB Tình nói.
Ngược lại, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho hay không đồng tình với quan điểm người nghỉ hưu vẫn có thể xử lý kỷ luật.
“Người nghỉ hưu có thể bị xử lý kỷ luật về đảng, thậm chí kỷ luật xoá tên, có thể bị xử lý về hình sự nhưng lại xử lý kỷ luật thì không đúng.
Vì người đó không còn là công chức, không còn trong cơ quan, đơn vị đó nữa. Nếu xử lý kỷ luật họ thì những vấn đề họ thực hiện trước đó sẽ như thế nào? Tôi cho rằng nên bỏ quy định này”, ông Nhưỡng nói.
Kỷ luật giáng chức gây khó khăn cho lãnh đạo mới
Góp ý vào các hình thức xử lý kỷ luật cán bộ công chức, ĐB Phạm Văn Hoà bày tỏ đồng ý như dự thảo là bỏ hình thức giáng chức.
“Thời gian qua, hình thức này có áp dụng nhưng không nhiều. Như vậy sẽ không phù hợp nếu cán bộ bị kỷ luật nặng đến mức cách chức thì cách, không thì cảnh cáo, chứ giáng chức không đủ tính răn đe, có thể dẫn đến việc nể nang, xử lý nhẹ hơn”, ông Hoà nói.
ĐB cho hay, nếu cách chức qua thời hạn bị kỷ luật thì cũng có thể bổ nhiệm lại nếu đủ điều kiện.
ĐB Nguyễn Thị Phúc cũng đồng tình việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức.
Một số lý do được bà đưa ra như là để đảm bảo tương ứng với 4 hình thức xử lý đảng viên (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ), thì đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý cũng 4 hình thức (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc).
“Việc áp dụng hình thức giáng chức dễ dẫn tới tình trạng nể nang, né tránh, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, bà Phúc nêu quan điểm.
Theo bà, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm, bởi hình thức giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn, trong khi vị trí đó đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý.
Ngoài ra, người bị xử lý kỷ luật giáng chức mà vẫn công tác trong cơ quan cũ hay trong chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho người lãnh đạo mới và trong thực thi nhiệm vụ.
ĐB Tô Văn Tám. Ảnh: Minh Đạt |
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) thì đề nghị giữ lại hình thức “giáng chức”. Ông lý giải, nếu vì lý do nể nang mà không áp dụng hình thức giáng chức thì đó là lỗi chủ quan của chủ thể có thẩm quyền, lỗi này có thể xử lý được trong quá trình nâng cao chất lượng hiệu quả cán bộ công chức...
ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) nêu ý kiến, đối với cán bộ công chức chưa đến mức phải cách chức hay buộc thôi việc nhưng chỉ hạ bậc lương hay cảnh cáo khiển trách thì quá nhẹ. Trong khi đó áp dụng hình thức giáng chức là phù hợp.
Giải trình làm rõ các ý kiến, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua báo cáo xử lý cán bộ hàng năm đến nay, Bộ chưa nhận được một hình thức nào xử lý giáng chức, chỉ có giáng cấp với lực lượng vũ trang. Ông đề nghị các ĐB nghiên cứu thêm, để luật mang tính khả thi cao.
Về việc xử lý đối với cán bộ công chức có vi phạm trong thời gian còn đương chức mà khi đã nghỉ, có ý kiến cho rằng phạm vi rộng, nhưng luật quy định cả với viên chức, nếu đã vi phạm trong thời gian còn công tác khi đã nghỉ hưu thì vẫn xử lý, bình đẳng như nhau.
Trao đổi bên lề QH, ĐB Nguyễn Mai Bộ băn khoăn tính pháp lý của việc kỷ luật cán bộ đã về hưu. “Tuy nhiên phải hiểu rằng chính khách ra đi, chế độ ở lại. Thay mặt cơ quan quản lý nhà nước ký văn bản đó, nếu không bới tung vấn đề không đi tới hồi kết. Cần xem cái nào có lợi lớn hơn thì phải chấp nhận đánh đổi”, ông Bộ nói. |
Kỷ luật công chức về hưu: Ta đang bí, Đức xử ngon ơ
Việt Nam và Đức đều có luật Cán bộ, công chức nhưng việc quy định kỷ luật những người này khi về hưu ở mỗi nước lại khác nhau.
Hương Quỳnh - Thu Hằng